Vì sao liên tục tăng lãi suất nhưng ngân hàng khó huy động tiền gửi?
SSI Research đánh giá thanh khoản bị mắc kẹt ở nhóm bất động sản và đầu tư trái phiếu có thể buộc các ngân hàng tăng lãi suất để huy động tiền gửi khách hàng.
8% tín dụng bị mắc kẹt ở bất động sản
Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Reseach) cho biết, tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến khoảng 7-8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, đặc biệt trong khi bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế.
Điều này dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực phi bất động sản không còn dư dả. Một phần tiền mặt bị đóng băng hoặc quay vòng chậm đã ảnh hưởng đến tình trạng thanh khoản chung của các ngân hàng.
Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp có những dấu hiệu xấu đi trong thời gian gần đây với khối lượng và giá trị giao dịch đều ở mức thấp. Rào cản từ huy động vốn và lãi suất cao đang khiến các chủ đầu tư bất động sản gặp vấn đề về thanh khoản.
Trái phiếu doanh nghiệp, vốn là nguồn tài trợ quan trọng cho các chủ đầu tư bất động sản trong giai đoạn 2018-2021, đang gặp nhiều khó khăn. Đây dự kiến là trở ngại lớn nhất trong hai năm tới đối với cả thị trường bất động sản và lĩnh vực ngân hàng.
Nhóm phân tích bắt đầu chứng kiến các công ty gặp khó khăn trong việc huy động vốn (và tái cơ cấu nợ), thậm chí yêu cầu hoãn thanh toán gốc. Điều này có thể sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của những công ty này.
Tổng số trái phiếu đang lưu hành (loại trừ nhóm trái phiếu ngân hàng) là khoảng 945.000 tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào giai đoạn 2023-2024 và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Con số này vẫn chưa bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Dẫu vậy, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dụng liên quan đối với những trái phiếu theo hợp đồng repo.
Nhiều chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt nhiều thách thức như lượng hàng tồn kho tăng lên, doanh số bán hàng giảm và áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn tháng 12/2022-3/2023.
Lãi suất cho vay mua nhà đã tăng lên (phổ biến ở mức 13~15%) cũng gây ra sự do dự của những người mua nhà tiềm năng mặc dù một số chủ đầu tư bất động sản đã giảm giá 30~40% cho những người mua nhà có sẵn tiền mặt.
Về phía bên mua, SSI Research quan sát thấy một phần các giao dịch mua nhà là với mục đích đầu cơ hơn là mục đích sở hữu để ở trong 2 năm qua. Các nhà đầu tư này đều vay vốn ngân hàng vì lịch trả nợ hấp dẫn và nhiều ưu đãi.
Khi hết thời gian ưu đãi và lãi suất tăng lên, người sở hữu bất động sản khả năng cao sẽ bán lại bất động sản đó để trả nợ vay. Do làn sóng giảm giá có thể còn tiếp tục đến cuối năm, mức giảm có thể từ 10-20% hoặc cao hơn.
Tổng dư nợ toàn bộ các khoản cho vay mua nhà tại các ngân hàng ở mức khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Do đó, SSI Research đánh giá các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới.
Trong kịch bản cơ sở, SSI Research giả định các ngân hàng sẽ gia hạn/cho phép cơ cấu lại các khoản vay/trái phiếu được phát hành bởi các chủ đầu tư bất động sản lớn và duy trì phân loại khoản vay hiện tại của những chủ đầu tư này cho đến năm 2023.
Các khoản vay bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn sẽ bao gồm các khoản vay của các chủ đầu tư bất động sản quy mô nhỏ hơn và chưa niêm yết trên thị trường.
Khó huy động tiền gửi dù liên tục tăng lãi suất
Trong báo cáo cập nhật về thị trường tiền tệ mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, mặc dù tình hình thanh khoản có dịu lại xét chung toàn hệ thống, tuy nhiên cuộc đua tăng lãi suất huy động trở nên nóng hơn trong tháng qua.
Theo đó, các NHTM cổ phần tư nhân đã điều chỉnh tăng lãi suất rất mạnh trong tháng qua. Ví dụ, Techcombank đã nâng lãi suất thêm 0,5-1,5 điểm % tất cả các kỳ hạn gửi tiền trong tháng 10 và tháng 11, mức tăng mạnh nhất là ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Mức lãi suất huy động trên 10%/năm đã xuất hiện ở một số ngân hàng top dưới như NCB và SaigonBank.
Trong khi đó, các NHTM cổ phần Nhà nước ít chịu áp lực huy động hơn và chỉ ghi nhận một lần tăng lãi suất trong tháng 10 sau quyết định nâng lãi suất điều hành của NHNN.
VDSC cho rằng nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm kết hợp với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến cho vòng xoáy tăng lãi suất huy động tiếp diễn, kéo theo lãi suất cho vay tăng vượt qua mức trước đại dịch dù nền kinh tế chỉ mới vừa phục hồi sau Covid-19.
Mức lãi suất cho vay thả nổi đối với khoản vay tiêu dùng (mua nhà, mua xe) hiện lên đến 15-16%/năm, lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp phổ biến cũng đang là 11-12%, đặt trong bối cảnh nguồn cung tín dụng hạn hẹp. Mặt khác, dù lãi suất huy động tăng rất nhanh trong hai tháng gần đây, tuy nhiên, huy động vốn trong trong nền kinh tế vẫn tăng rất chậm.
Tính đến cuối tháng 10/2022, huy động vốn ước tăng 4,8% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,3% cuối tháng 9/2022. Xét về số tuyệt đối, huy động vốn tháng 10 chỉ tăng thêm 50.383 tỷ đồng so với mức tăng 95.210 tỷ đồng của tháng trước.
Theo VDSC, một số nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm gồm sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng.
Nhóm phân tích cũng cho biết tăng trưởng cung tiền suy giảm, khi đến cuối tháng 9 chỉ tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ, chưa bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng bình quân cung tiền của giai đoạn 2013-2021.
Về phía cho vay, mặc dù Chính phủ mới đây đã chỉ đạo nới thêm dư địa tín dụng cho nền kinh tế, tuy nhiên, một số vấn đề mang tính cấu trúc khiến cho việc cho vay có thể không được như kỳ vọng, gồm: 1) chủ trương hạn chế cho vay lĩnh vực rủi ro như BĐS hay đáo hạn TPDN đến hạn, 2) rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu khiến doanh nghiệp hạn chế đầu tư mà tập trung vào phòng thủ; và 3) nguồn vốn huy động đang bị xói mòn bởi tăng trưởng kinh tế giảm sút.