Vì sao Việt Nam vẫn duy trì động lực tăng trưởng bất động sản sau đại dịch Covid-19?
Sau Covid-19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin “đổ tiền” vào đầu tư. Nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), bất động sản (BĐS) Việt Nam đã “vực dậy” sau 2 năm “ngủ đông” vì dịch bệnh.
Việt Nam thu hút các tập đoàn đa quốc gia
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển thuộc khu vực Châu Á nhận được nhiều sự quan tâm sau đại dịch. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), năm 2022 GDP Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 6,5%, vượt trội so với các quốc gia láng giềng trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, nhờ chính sách chống dịch tốt với tỷ lệ bao phủ vaccine cao và 2 hiệp định thương mại được ký kết bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đẩy ưu thế của thị trường BĐS Việt tăng vượt bậc, cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực.
Thực tế cho thấy, các tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục mở rộng vào Việt Nam ngay cả khi chuỗi cung ứng bất động sản công nghiệp bị tắc nghẽn. Cụ thể, trong quý I, tổng vốn FDI đăng ký đã tăng gấp ba lần lên 8,9 tỷ USD, trong đó có 2,7 tỷ USD được đăng ký cho lĩnh vực bất động sản. Bộ Xây dựng cho biết tính đến cuối tháng 6/2022 ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 trong tổng vốn đầu tư, lên đến 3,15 tỷ USD chiếm 22,5% tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký.
Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội, cho rằng: “BĐS vẫn luôn là ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam. Không chỉ BĐS công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực BĐS Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn.”
Hàng loạt khu công nghiệp Việt Nam được doanh nghiệp nước ngoài đổ vốn đầu tư như Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long. Đây được xem là sự bùng nổ trong thị trường BĐS công nghiệp.
Giá bất động sản tăng
Theo thống kê, tầng lớp giàu có của Việt Nam đang dần tăng lên, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, cho thấy tiềm năng phát triển các sản phẩm cao cấp và siêu sang trên thị trường bất động sản trong tương lai.
Theo thống kê cho thấy trong quý 1/2022, TP.HCM đã bán được 572 trong số 921 căn nhà phố, biệt thự được đưa ra thị trường. Tại thời điểm đó, giá nhà liền thổ tại TP.HCM tăng 30% so với cùng kỳ. Sang quý 2/2022, tại phân khúc nhà phố đã ghi nhận mức giá 9.300 USD/m2 và phân khúc biệt thự là 11.300 USD.
Với mức lãi suất cơ bản tăng cao, các sản phẩm bình dân đang khan hiếm tại hai đô thị lớn. Tại các khu đô thị phía Đông TP.HCM có mức giá chào bán hiện tại trung bình từ 200-400 triệu đồng/m2. Mức giá tại TP.Thủ Đức dành cho nhà phố hiện tại đã là 40 tỷ/căn, tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Bên cạnh đó đối với các tỉnh cận như Đồng Nai giá nhà liền thổ ghi nhận mức tăng từ 20-30% và tại Long An mức giá của nhà phố, biệt thự cũng tăng 10-20% với so với năm ngoái.
Theo ước tính của CBRE, với việc xây dựng đang hồi phục trở lại, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam sẽ tăng lên trong năm 2022. Nguồn cung nhà ở mới mở bán dự kiến đạt 22.000 căn tại TP HCM và 28.000 căn ở Hà Nội. Các đơn vị bán được có thể đạt ít nhất 90% nguồn hàng mới ở cả hai thành phố, trong khi giá sơ cấp có thể tăng từ 5% đến 8%.
Hơn một thập kỷ trước, sự thay đổi về giá nhà đã đánh dấu sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, sự bùng nổ kép về tín dụng và giá nhà ở nhiều quốc gia trước cuộc khủng hoảng sẽ khó có thể xảy ra và lặp lại trong giai đoạn hiện nay. Do đó, trong một kịch bản hợp lý, việc tăng lãi suất, các chính sách hỗ trợ rút dần khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi và việc khôi phục nguồn cung vật liệu xây dựng kịp thời có thể khiến giá nhà ổn định trở lại.