VietinBankSC đã tư vấn phát hành 7.500 tỷ đồng trái phiếu năm 2021
Cổ phiếu CTS đã giảm 60% từ đầu năm 2022 đến nay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 và nửa đầu năm 2022 chứng kiến khá nhiều dấu ấn và một lần nữa dấy lên lo lắng của các nhà đầu tư về những tín hiệu của đợt vỡ bong bóng thị trường những năm chưa lâu trước đó.
Thứ nhất, về sự tăng điểm nhanh chóng của chỉ số VnIndex. Năm 2021 chỉ số VnIndex vụt tăng mạnh, vượt ngưỡng 1.500 điểm cùng với đó thanh khoản thị trường tăng vọt, xuất hiện ngày càng nhiều những phiên nghẽn lệnh trên các sàn chứng khoán. Tuy vậy chỉ sang cuối quý 2/2022 VnIndex bất ngờ lao dốc, về dưới 1.200 điểm khiến các nhà đầu tư càng lo lắng.
Thứ 2, chính sự tăng mạnh của thị trường chứng khoán, đã kéo theo tâm lý sợ bỏ lỡ FOMO của các nhà đầu tư, khiến số nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường càng đông. Lượng cầu tăng đột biến kéo theo giá nhiều cổ phiếu bị đẩy lên, tăng mạnh.
Hệ quả, đầu năm 2022 đến nay có rất nhiều quyết định xử phạt được đưa ra, trong đó có không ít quyết định xử phạt các cá nhân với hành vi thao túng chứng khoán, phạt các công ty chứng khoán vì vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, phạt các doanh nghiệp vì vi phạm quy định… Nhiều “phi vụ” làm giá chứng khoán, những cổ phiếu có đồ thị hình cây thông lần lượt được chỉ điểm. Và thiệt hại lớn nhất chính là các nhà đầu tư.
Mới đây nhất Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty chứng khoán, xử lý nghiêm các vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát.
Cổ phiếu nhiều công ty chứng khoán giảm sâu, CTS mất đi 60% giá trị từ đầu năm 2022
Cùng với các quy định siết chặt quản lý, đặc biệt các công ty chứng khoán, tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư cũng khiến giá cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chứng khoán giảm mạnh, điển hình như CTS của Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSC) giảm đến 60% so với thời điểm đầu năm 2022, về mức 16.500 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này trong hơn 1 năm trở lại đây.
VietinBank SC nhìn từ giá trị giao dịch trái phiếu gấp đôi năm ngoái
Sau vụ Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng, khi các vụ phát hành trái phiếu của nhiều doanh nghiệp bị “soi” với nhiều sai phạm, khi các cơ quan quản lý bắt đầu siết chặt công tác phát hành trái phiếu, thì từ khoá “trái phiếu” đang là tâm điểm của các nhà đầu tư.
Các cơ quan quản lý cho biết sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản bảo đảm; tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng lộ trình và quy định pháp luật... cùng với đó, những hoạt động liên quan đến trái phiếu, huy động vốn của các doanh nghiệp được quan tâm hàng đầu.
BCTC năm 2021 của VietnBank SC ghi nhận tổng giá trị giao dịch trái phiếu của công ty trong năm 2021 hơn 26.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với con số hơn 13.900 tỷ đồng thực hiện năm 2020, trong khi đó giá trị giao dịch trái phiếu của các nhà đầu tư thông qua CTS chỉ chưa đến 130 tỷ đồng.
Báo cáo cho biết tổng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của VietinBank SC đến cuối năm 2021 đạt 1.372 tỷ đồng, trong đó giá trị trái phiếu chưa niêm yết đạt hơn 807 tỷ đồng; giá trị hợp lý của cổ phiếu niêm yết đạt 671 tỷ đồng (giá gốc của khoản này gần 450 tỷ đồng). Tổng giá trị cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán gần 1.600 tỷ dồng, tăng 73% so với thời điểm đầu năm.
Còn số liệu trên BCTC quý 1/2022 trình bày tổng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ đạt hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó giá trị trái phiếu chưa niêm yết tăng gần 200 tỷ đồng lên trên 1.000 tỷ đồng. Tổng giá trị cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán cũng tăng lên xấp xỉ 1.800 tỷ đồng.
Cổ phiếu “hình cây thông” HDC cũng nằm trong danh mục đầu tư của VietinBank SC
Nếu tính những cổ phiếu “hình cây thông” thì đồ thị của HDC chưa thật sự đẹp, nhưng đây cũng là một trong những cổ phiếu biến động hình cây thông trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 này. HDC mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2021 ở mức 29.600 đồng/cổ phiếu, và tăng dần, hơn gấp 3,7 lần lên cao nhất 110.300 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 11/2021 sau đó giảm nhẹ. HDC đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2021 ở mức giá 91.00 đồng/cổ phiếu – gấp 3 lần thời điểm đầu năm. Tuy vậy hiện tại HDC tiếp tục giảm sâu, về mức 49.600 đồng/cổ phiếu, mất gần 50% giá trị so với thời điểm đầu năm.
HDC cũng là một trong những cổ phiếu đầu tư của VietinBank SC trong năm 2021. Giá trị thực mua số cổ phiếu của Hodeco (tính giá vốn) chưa đến 16 tỷ đồng, trong khi đó giá trị hợp lý đến thời điểm 31/12/2021 đạt hơn 186 tỷ đồng, tương ứng mức chênh lãi lớn. Các cổ phiếu mà CTS nắm giữ đến cuối năm 2021 còn có bộ đôi cổ phiếu HAG, HNG, có DBC, STB và Kiên Hùng… Trong nhóm cổ phiếu chưa niêm yết, khoản đầu tư vào Ô tô Trường Hải có giá trị gốc gần 72 tỷ đồng và giá trị hợp lý đến 31/12/2021 đạt hơn 206 tỷ đồng.
Năm 2021 khoản nợ vay ngắn hạn của công ty tăng đột biến 89% so với thời điểm đầu năm, lên gần 4.800 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng thêm 2.000 tỷ đồng, lên trên 4.100 tỷ đồng.
Phần lớn lợi nhuận năm 2021 của VietinBankSC đến từ hoạt động đầu tư tài chính. Lợi nhuận trước thuế cả năm từ mảng này đạt hơn 360 tỷ đồng, chiếm 75% tổng lợi nhuận trước thuế cả năm. Hoạt động tư vấn phát hành cũng mang về khoảng 11 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong năm 2021 VietinBankSC đã tư vấn phát hành trái phiếu thành công cho Tập đoàn Novaland, cho Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bắc Á, CTCP STC Corporation…với tổng giá trị thu xếp được là 7.500 tỷ đồng trái phiếu trong nước.