Vĩnh Phúc: Cần cải tạo, nâng cấp tuyển Quốc lộ 2A để phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội

Là tuyến đường “huyết mạch” trong phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH) của tỉnh nhưng Quốc lộ 2A đoạn đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì (từ Km38+600 – Km49+630) qua thời gian dài khai thác sử dụng, ít được đầu tư cải tạo, đến nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đáp ứng mong mỏi của các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì với tổng nguồn vốn 800 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc: Cần cải tạo, nâng cấp tuyển Quốc lộ 2A để phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1

Tuyến Quốc lộ 2A qua địa bàn tỉnh chỉ còn lại đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì (từ Km38+600 – Km49+630) hiện có quy mô 2 làn xe, không đáp ứng nhu cầu vận tải, giao thương cũng như phát triển KT – XH của tỉnh.

Quốc lộ 2A đoạn đi qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 37,7 km, điểm đầu tại Km13+020 – cầu Xuân Phương (vượt sông Cà Lồ), phường Phúc Thắng (Phúc Yên); điểm cuối tại Km50+700 thuộc xã Bồ Sao (Vĩnh Tường).

Trong đó, Quốc lộ 2A đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên với tổng chiều dài gần 22 km, điểm đầu tuyến từ ngã tư giao giữa đường Bắc Thăng Long – Nội Bài và kết thúc ở ngã ba giao giữa đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên và Quốc lộ 2A cùng tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên và cầu Việt Trì mới đã được cải tạo nâng cấp đồng bộ.

Chỉ còn lại đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì (từ Km38+600 – Km49+630) hiện có quy mô 2 làn xe, mặt cắt ngang 11m đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu vận tải, giao thương cũng như phát triển KT – XH của tỉnh. Đặc biệt, chất lượng mặt đường bê tông nhựa, hệ thống ATGT và công trình qua thời gian khai thác sử dụng đến nay đã hư hỏng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Tại đoạn đường thuộc thôn Mới, xã Tân Tiến (Vĩnh Tường) hiện đang quá tải về lượng xe máy, ô tô lưu thông, nhất là các xe có tải trọng lớn như xe đầu kéo, xe container. Hiện trạng tuyến đường đã xuất hiện nhiều hư hỏng như: Ổ gà, sình lún, hằn lún vệt bánh xe… gây khó khăn cho phương tiện lưu thông qua lại, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Người dân sinh sống tại dọc đường quốc lộ 2A chia sẻ: “Do nhu cầu phát triển KT – XH nên những năm gần đây, mật độ xe cộ lưu thông trên đoạn đường này khá dày. Nhất là vào ban đêm, có cả nghìn lượt xe container, xe tải và các xe đầu kéo vận chuyển nông sản, khoáng sản, hàng hóa… qua địa bàn. Vì thế, đoạn đường này dù đã được duy tu, lấp vá “ổ gà” và sửa chữa nhỏ trên tuyến nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại hư hỏng”.

Năm 2016, Công ty Cổ phần BOT Quốc lộ 2 có đề xuất với Tổng cục đường bộ Việt Nam về việc đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì (từ Km38+600 – Km48+630.11) theo hình thức BOT với tổng kinh phí xây dựng là 680 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, chỉ ra những điểm không rõ ràng của DN trong thời gian hợp đồng thu phí hoàn vốn và tái tạo lợi nhuận đối với dự án cải tạo Quốc lộ 2A, đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên theo hình thức BOT, dự án trên không được Bộ GTVT chấp thuận. Đến tháng 10/2020, Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 đã dừng hoạt động thu phí và hoàn trả mặt bằng vào cuối năm 2021.

Sau khi Công ty Cổ phần BOT Quốc lộ 2 hết hợp đồng thu phí và hoàn trả mặt bằng trên tuyến, Cục Quản lý đường bộ I, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận tuyến đường và các hạng mục công trình dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên để quản lý và bố trí nguồn vốn, thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường.

Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1547 về việc phê duyệt dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, dự án có điểm đầu tại nút giao Hợp Thịnh (Tam Dương) tại Km38+600; điểm cuối kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới tại Km49+630 thuộc địa phận huyện Vĩnh Tường. Theo thiết kế, dự án sẽ được nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn 4 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Trong đó, đoạn Km38+600 – Km39+600 có chiều rộng nền đường 18 m, chiều rộng mặt đường 16 m; đoạn Km39+600 – Km49+630 có chiều rộng nền đường 22m, mặt đường rộng 15m, phân cách giữa rộng 2m…

Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cho Ban Quản lý các dự án Đường thủy với tổng giá trị đầu tư gần 800 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT quyết định đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đồng bộ quy mô với các đoạn tuyến. Qua đó, kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh phía Tây Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; góp phần giảm ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển KT – XH của tỉnh.

PV

Theo Kinh doanh & Phát triển