VIRES: Khơi thông nguồn vốn từ kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là vô cùng cấp thiết
Theo VIRES, hiện các doanh nghiệp bất động sản không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng, chờ được nới room hay tăng room bởi lượng tín dụng đổ vào bất động sản đang khá cao và vẫn trong xu hướng tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022; tương ứng trung bình mỗi tháng có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường.
Số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 10 tháng qua cũng giảm 50,2% so với cùng kỳ. Đa số các doanh nghiệp bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO, thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải chuyển nhượng bớt dự án, cắt giảm 70 - 80% nhân sự…
Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm mạnh, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản càng trở nên chồng chất hơn, đặc biệt là vấn đề tài chính.
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), từ giữa năm 2022 đến nay, ngành bất động động sản và xây dựng có mức doanh thu giảm ở mức độ nghiêm trọng nhất trong các ngành.
Đáng chú ý, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần. Cụ thể, số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý 1/2023 lên đến 5.662 ngày; cá biệt có doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày, với tiến độ bán hàng như hiện tại, doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng.
Trước tình hình tài chính khó khăn, không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế dường như đang trông chờ nhiều hơn vào sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng và tiếp cận vốn tín dụng trở thành một vấn đề được bàn luận sôi nổi trên hầu khắp các diễn đàn, hội nghị lớn, nhỏ.
Theo nghiên cứu của VIRES, mục tiêu nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp thời gian qua dù đã tốt dần lên, tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn, kỳ vọng. Vấn đề nằm ở khâu “cho vay” của các tổ chức tín dụng hay nằm ở đầu ra của nền kinh tế?
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, then chốt của một nền kinh tế ổn định và phát triển lành mạnh là phải có sự kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trên nền tảng môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện theo hướng thuận lợi.
Tuy nhiên, gần hết năm 2023, dường như Việt Nam vẫn đang thiên lệch về chính sách tiền tệ, chưa phát huy hết sức mạnh của chính sách tài khóa và sự kết hợp hài hòa giữa hai chính sách này còn có vấn đề, nhất là trong bối cảnh lẽ ra cần tập trung hơn vào chính sách tài khóa.
Việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất trong năm nay đã minh chứng cho sự nới lỏng của chính sách tiền tệ. Mức lãi suất hiện tại đã tương đối thấp, và việc giảm thêm sẽ không còn tác dụng lớn. Nhất là khi, bối cảnh thực tế hiện nay cho thấy, khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng.
Nếu tiếp tục giảm lãi suất đi chăng nữa thì có thể người dân và doanh nghiệp cũng vẫn không vay tiền để tiêu dùng hoặc đầu tư. Như vậy, dòng tiền cũng không thể bơm thêm ra nền kinh tế để kích thích tăng trưởng.
Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, việc quan tâm thực hiện chính sách tài khóa có thể sẽ có giá trị hơn, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Doanh nghiệp phải hoạt động, người dân có việc làm thì mới có thể lưu thông tiền tệ, ngược lại, sẽ khiến tiền “tồn kho” trong ngân hàng, trường hợp xấu hơn còn làm tăng lạm phát.
Khi mở rộng được tài khóa thì tiền tệ mới hiệu quả, hay nói cách khác, mở rộng tiền tệ phải dựa trên tài khóa. Phải tính toán rất kỹ vấn đề nên chi tiêu cho lĩnh vực nào, khả năng hồi phục ra sao, từ đó dành khoản tín dụng bao nhiêu. Nếu không có sự linh hoạt sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có việc làm không vay được, doanh nghiệp không có việc làm lại vay được.
Vấn đề phục hồi nền kinh tế hiện nay không thể chỉ dựa vào chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa mà là sự kết hợp có hiệu quả, uyển chuyển giữa hai chính sách này.
Ngoài ra, giải pháp tăng cường mở rộng tài khóa (thông qua giảm thuế, phí; tăng chi tiêu công; kích cầu nội địa) kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ (thông qua giảm lãi suất điều hành) chỉ phát huy hiệu quả và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế khi và chỉ khi chính sách tiền tệ phải điều tiết hợp lý, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, kết hợp giám sát và minh bạch dòng chảy tín dụng, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng và giữ vững an toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực rất nhiều nhưng cần thêm sự nỗ lực của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực thi chính sách tài khóa thì nền kinh tế mới có thể phục hồi trở lại như kỳ vọng. “
“Hiện các doanh nghiệp bất động sản không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng, chờ được nới room hay tăng room bởi lượng tín dụng đổ vào bất động sản đang khá cao và vẫn trong xu hướng tăng”, VIRES khẳng định.
Với tình trạng hiện nay, kể cả có room riêng cho bất động sản, các doanh nghiệp chưa chắc đã tiếp cận được vì không đáp ứng các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Mặt khác, nếu bất động sản vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ, thì sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn. Vì khi bất động sản bể nợ, thì sẽ lan sang ngân hàng.
Về dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, minh bạch, bền vững để các doanh nghiệp có không gian rộng hơn trong việc huy động vốn. Việc điều hành chính sách pháp luật cần tránh tình trạng khi thì quá nới lỏng để tạo ra một thị trường đầy kẽ hở để các doanh nghiệp đua nhau phát hành, đến khi có rủi ro thì lại đột ngột “phanh” gấp, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, như câu chuyện đã diễn ra năm 2022.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần sớm đi vào quy củ, hoạt động dựa trên sự dẫn dắt của pháp luật và có sự giám sát chặt chẽ.
VIRES khẳng định, khơi thông nguồn vốn từ kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là vô cùng cấp thiết đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Muốn vậy, phải kết hợp đồng bộ các giải pháp từ tạo vốn mồi đến tháo gỡ pháp lý cho các dự án. Không khách hàng nào cũng muốn mua dự án chưa có đầy đủ pháp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngược lại, doanh nghiệp được gỡ pháp lý, nhưng sức cùng lực kiệt, không có vốn mồi thì cũng không thể triển khai dự án, không có dự án thì không thể tạo ra dòng tiền từ khách hàng. Trong khi đó, nếu có nguồn vốn ban đầu nhưng thanh khoản thị trường kém, không bán được hàng thì dự án chậm tiến độ, đội vốn, doanh nghiệp cũng có khả năng rơi vào vòng xoáy nợ nần.