Với vị trí cửa ngõ Thủ đô, khu Nam Hà Nội sẽ trở thành ‘ngôi sao vàng’ trong làng bứt phá bất động sản?
Sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng từ năm 2024 sẽ trở thành động lực quan trọng, kích thích sự bứt phá của thị trường bất động sản khu vực Nam Hà Nội.
Bất động sản khu Nam Hà Nội có nhiều “cửa sáng” để phát triển
Theo Savills Việt Nam, khu vực phía Nam sẽ trở thành một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất Hà Nội từ năm 2023 trở đi. Câu chuyện tăng giá bất động sản từng diễn ra ở khu Đông Hà Nội trong 5 năm qua dự kiến sẽ lặp lại ở khu Nam Hà Nội trong 5-10 năm tới, đặc biệt khi hạ tầng đang được đẩy mạnh.
Trên thực tế, theo ghi nhận, ở thị trường thứ cấp, một số dự án tại phía Nam quận Hai Bà Trưng, dọc đường Vành đai 2 tăng 9-10%/năm trong vòng 3 năm qua cao hơn mức tăng trung bình toàn thành phố là khoảng 4%/năm.
Cũng theo khảo sát cuối năm 2023 của Trung tâm nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate, trong số 63% người có nhu cầu về bất động sản trong năm 2024 đều quan tâm tới căn hộ chung cư, đất nền và nhà đất thổ cư. Lượng giao dịch tại thị trường chuyển nhượng thứ cấp Hà Nội trong tháng cuối năm 2023, diễn ra sôi động với lượng giao dịch thổ cư cao hơn so với giao dịch chuyển nhượng dự án. Bất động sản thổ cư được giao dịch nhiều hơn nhờ việc có tính ổn định cao, mặt bằng giá hấp dẫn, lại có nhiều lợi thế trong kinh doanh.
Các chuyên gia của Savills Việt Nam cũng dự báo hoạt động đầu tư thị trường bất động sản Hà Nội sẽ sôi động trở lại vào quý III/2024 với sự phục hồi được thúc đẩy bởi các thị trường lớn lân cận.
Thời điểm này, một số chủ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, chuyên nghiệp, uy tín và am hiểu thị trường Việt Nam "nhanh tay" nắm bắt cơ hội ra mắt sản phẩm mới.
Thực tế, trong hai năm qua, ở thị trường phía Nam, Gamuda Land có chiến lược đầu tư mở rộng quỹ đất ngắn hạn, trong vòng 5-7 năm và tập trung vào những khu vực dân cư đông đúc hoặc những nơi được quy hoạch hạ tầng. Trong khi ở thị trường Hà Nội, nhà phát triển này theo đuổi dự án dài hạn, phát triển khu đô thị toàn diện. Bởi đó là nơi mà Gamuda Land tin rằng có nhiều tiềm năng về bất động sản nhà ở được kích cầu bởi tốc độ giãn dân số ra các khu vực ngoại thành ngày càng tăng.
Đặc biệt, bởi những lợi thế từ vị trí, tiềm năng của dự án này, nên giá chào bán vẫn không ngừng tăng. Kể từ giai đoạn I của dự án, với mức giá khởi điểm năm 2014 là 43,6 triệu đồng/m2 nay đang được chào bán khoảng 160 triệu đồng/m2 ở thị trường thứ cấp cho 2 dòng sản phẩm biệt thự đơn lập và song lập tại dự án Gamuda Gardens.
Không chỉ quận Hoàng Mai, nhiều khu vực kế cân cũng ghi nhận sự tăng giá theo từng năm. Trên nhiều diễn đàn mua bán bất động sản, giá đất tại Huyện Thanh Trì rơi vào mức 70 triệu/m2, giá nhà lên tới 120 triệu/m2, ngang ngửa với giá đất trong nội thành Hà Nội.
“Chìa khoá” mở ra cánh cửa thành công đến từ cơ sở hạ tầng
Sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng từ năm 2024 sẽ trở thành động lực quan trọng, kích thích sự bứt phá của thị trường bất động sản tại đây. Bởi, theo kế hoạch, giai đoạn 2024-2025, Hà Nội sẽ dồn sức đưa các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng lên Quận. Các chuyên gia cho rằng, việc nâng cấp các huyện này không chỉ là một bước tiến trong quy hoạch đô thị mà còn tạo ra một sức hút lớn đối với thị trường bất động sản.
Một ví dụ nổi bật trong quá trình chuyển đổi này là huyện Thanh Trì đã đạt được 27 trong số 31 tiêu chuẩn cần thiết để trở thành quận. Huyện này cũng đã hoàn thành các tiêu chuẩn về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển tương lai.
Chuyển đổi từ huyện lên quận đồng nghĩa với việc tái cấu trúc sử dụng đất. Các khu đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi thành đất dịch vụ, đất ở và đất thương mại dịch vụ. Điểm nhấn của quá trình phát triển này là sự hình thành của các đô thị thông minh, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và các khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp, cùng với sự kết nối đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Đặc biệt, khu vực phía Nam Hà Nội đang chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, nhờ vào những dự án hạ tầng quan trọng. Trong số đó, dự án đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) đóng vai trò quan trọng.
Tổ hợp này không chỉ phục vụ cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà còn tích hợp các tuyến đường sắt quốc gia và đô thị, tạo ra một trung tâm giao thông đa năng, kết nối vùng. Dự án đang tiến triển với kế hoạch hoàn thành vào năm 2024, sẽ tạo ra một làn sóng mới trong lĩnh vực bất động sản, cải thiện đáng kể khả năng kết nối và tiếp cận khu vực.
Cùng với đó, Hà Nội cũng đề xuất xây dựng thêm nhà ga đường sắt tốc độ cao tại Phú Xuyên. Điều này không chỉ nhằm phục vụ cho việc xây dựng sân bay thứ hai của thủ đô mà còn hỗ trợ cho việc phát triển các khu đô thị vệ tinh, với dự kiến dân số lên tới 127.000 người.