Vosco: Bán tàu cứu lỗ, cổ phiếu hết động lực tăng giá?

Trái ngược với kỳ vọng của phần đông nhà đầu tư, hoạt động kinh doanh của Vosco đã “đi lùi” đáng kể bất chấp giá cước vận tải biển leo thang.

Kết thúc quý II, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, HoSE: VOS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 79,6% so với cùng kỳ. Cùng chiều doanh thu, giá vốn hàng bán tăng 87,2%, lên mức 1.895 tỷ đồng.

Vosco không thể có lãi từ hoạt động kinh doanh bất chấp giá cước vận tải biển liên tục leo thang
Vosco không thể có lãi từ hoạt động kinh doanh bất chấp giá cước vận tải biển liên tục leo thang

Kinh doanh dưới giá vốn, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp âm 23 tỷ đồng. Chưa kể, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng bị đội lên, đẩy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 48,5 tỷ đồng.

Mặc dù lỗ từ hoạt động kinh doanh thuần song Vosco lại ghi nhận khoản thu nhập khác tăng gần 393 tỷ đồng trong quý vừa qua. Theo giải trình, trong quý II, doanh nghiệp đã thu về khoảng 400 tỷ đồng từ việc bán tàu Đại Minh cho đối tác.

Việc có một khoản tiền lớn đã giúp doanh nghiệp hàng hải này này khép lại kỳ kinh doanh quý II/2024 với một kết quả tích cực, khi lợi nhuận sau thuế đạt 283,9 tỷ đồng, tăng 262 lần so với quý II/2023.

Giải trình biến động lợi nhuận của Vosco
Giải trình biến động lợi nhuận của Vosco

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Vosco mang về 2.965 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong đó, hoạt động vận tải biển chiếm hơn 40%, tương ứng 1.187 tỷ đồng. Phần doanh thu 1.778 tỷ đồng còn lại đến từ lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Trừ khi các khoản chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2024 đạt 358,4 tỷ đồng, tăng 384% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vosco ghi nhận ở mức 3.247 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 610 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương. Phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tăng 191 tỷ đồng lên mức 1.234,9 tỷ đồng. Điểm sáng là Vosco không ghi nhận một đồng nợ vay tài chính nào.

Kỳ vọng ảo vào giá cước vận tải, cổ phiếu VOS mất đà tăng giá

Trong quý II vừa qua, câu chuyện tắc nghẽn dòng chảy thương mại toàn cầu do tình hình xung đột tại một số khu vực gây gián đoạn chuỗi cung ứng; nhiều hãng tàu bị "mắc kẹt" tại cảng container tại Singapore trong suốt nhiều tháng liền đã đẩy giá cước vận tải biển nóng hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, Vosco và các doanh nghiệp cùng ngành như Gemadept hay Xếp dỡ Hải An được kỳ vọng sẽ kinh doanh thuận lợi và có được nguồn thu dồi dào. Cũng bởi kỳ vọng đó, các cổ phiếu như VOS, GMD hay HAH đã “đạp sóng” bứt phá trong 2 tháng trở lại đây.

Riêng VOS, tính từ chân sóng tới đỉnh, mã này đã tăng hơn 110% chỉ trong 2 tháng. Nếu chỉ nhìn vào khoản lãi sau thuế tăng 262 lần, Vosco đã "vẽ" ra một bức tranh đẹp cho phần đông nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, kết quả kinh doanh lại hoàn toàn không được như kỳ vọng. Thực tế, doanh nghiệp đã có một kỳ kinh doanh “bết bát” khi lỗ hơn 48 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thuần, bất chấp bối cảnh giá cước vận tải leo thang.

Trong vài phiên giao dịch trở lại đây, dòng tiền thông minh dường như đã cảm nhận được sự đi lùi trong hoạt động kinh doanh của Vosco và bắt đầu “chia tay” cổ phiếu VOS ngay trước thời điểm báo cáo tài chính được công bố.

Cụ thể, trong phiên 16/7, cổ phiếu VOS đột ngột giảm hết biên độ mặc dù VN-Index không biến động quá mạnh. Sang phiên giao dịch 17/7, cổ phiếu VOS “đỏ lửa” ngay từ lúc mở cửa và đóng cửa trong tình trạng “múa bên trăng”.

Cổ phiếu VOS "lau sàn" trong phiên giao dịch 17/7
Cổ phiếu VOS "lau sàn" trong phiên giao dịch 17/7

Ước tính, từ vùng đỉnh 22.400 đồng/cp, VOS đã giảm hơn 17%. Nhịp giảm mạnh của cổ phiếu đã khiến vốn hóa của Vosco bay hơi 546 tỷ đồng chỉ trong vài phiên giao dịch.

Tính đến cuối tháng 6/2024, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Vosco tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.560 đồng/cp. Với mức này, P/E của cổ phiếu điều chỉnh về mức hơn 7,3 lần, giảm đáng kể so với mức gần 18 lần ghi nhận tại thời điểm cuối quý I.

Theo đó, giá trị sổ sách của phiếu tăng lên mức 14.314 đồng và P/B giảm về mức 1,3 lần, thấp hơn mức 1,6 lần của quý I và mức 3,6 lần của trung bình nhóm ngành "hàng và dịch vụ công nghiệp". Với mức định giá chưa quá đắt, một số công ty chứng khoán vẫn đánh giá tiềm năng đối với một số cổ phiếu nhóm vận tải biển.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu VOS còn có thể "rẻ" hơn nữa. Đây được coi là nhịp điều chỉnh bình thường sau đà tăng nóng. Hiện tại, cổ phiếu VOS đang có xu hướng điều chỉnh về vùng hỗ trợ 18.000 đồng/cp

Nếu không giữ được mốc hỗ trợ này, VOS sẽ tiếp tục chiết khấu về mốc Fibonacci 0,5, tương ứng vùng giá 16.200 đồng/cp, thậm chí sâu hơn là mốc 0,68, tương ứng vùng giá 14.000 đồng/cp để thu hút được sự trở lại của dòng tiền.

Hoàng Anh

Theo VietnamFinance