Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Bốn doanh nghiệp trúng đấu giá mất hàng nghìn tỷ đồng tiền cọc

Liên quan đến hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất còn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã thông tin về việc xử lý hợp đồng với hai doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp trúng đấu giá mất hàng nghìn tỷ đồng tiền cọc

Cụ thể, bên lề kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khoá X vào chiều ngày 6/7/2022, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, các sở, ngành liên quan sẽ họp bàn và tham mưu để UBND TP Hồ Chí Minh chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo quy định đối với hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm trước đó.

Trước khi làm thủ tục chấm dứt hợp đồng, Cục thuế TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát lại xem kể từ thời điểm ban hành các thông báo nộp tiền đến nay, hai doanh nghiệp này có liên hệ để nộp tiền hay không? Nếu không thì các sở, ngành liên quan sẽ họp bàn và Sở TN&MT sẽ chủ trì soạn tờ trình để UBND TP. Hồ Chí Minh chấm dứt hợp đồng.

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền dù đã qua hạn chót.  
Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền dù đã qua hạn chót.  

Ông Thắng cũng cho biết, thời gian chấm dứt hợp đồng được xác định là ngày 6/7. Đây cũng là thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mà các đơn vị trúng đấu giá phải nộp tiền.

Đối với các khoản phạt tiền chậm nộp, ông Thắng cho hay, những điều khoản thể hiện trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa UBND TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp sẽ được Cục thuế căn cứ vào đó để xử lý.

Như vậy, sau đợt bán đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh); Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh, công ty CP Dream Republic và công ty CP Sheen Mega đều không thực hiện nộp tiền theo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã ký. Theo đó cả 4 doanh nghiệp này sẽ mất toàn bộ số tiền đã cọc trúng đấu giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, 2 công ty Ngôi Sao Việt và Bình Minh chấp nhận mất khoản cọc 740 tỷ đồng. Trong khi đó Công ty Dream Repulic và Sheen Mega sẽ mất toàn bộ khoản tiền cọc, tương đương với số tiền là 318 tỷ đồng.

Rút ra bài học sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

Cũng theo vị Giám đốc Sở TN&MT, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo cụ thể về đánh giá và rút kinh nghiệm lại đợt đấu giá vừa rồi để tổ chức tiếp tục đợt đấu giá tiếp theo.

Có thể thấy, vụ đấu giá tại Thủ Thiêm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến vị thế và hình ảnh của TP Hồ Chí Minh, đồng thời gây sụt giảm niềm tin của các dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng, bất động sản.

Trước đó, Hội nghị lần thứ 15 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI cũng thống nhất giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án bất động sản trên địa bàn, trong đó lập tổ công tác để giải quyết có hiệu quả những vụ việc, vướng mắc kéo dài.

Theo lãnh đạo Sở TNMT TP Hồ Chí Minh, riêng việc đấu giá đất Thủ Thiêm, TP HCM sẽ đánh giá kỹ lưỡng về kinh nghiệm tổ chức bán đấu giá tài sản đất, đồng thời phân tích các yếu tố về giá cả, kể cả phương án đấu giá để phục vụ cho việc tổ chức đấu giá lại các tài sản liên quan trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng từng rất bức xúc câu chuyện đấu giá thời gian qua. “Chúng ta phải xử lý ngay từ gốc. Luật đấu giá tài sản hiện nay áp dụng chung cho đấu giá tài sản Nhà nước và tư nhân, chúng ta đang đánh đồng tài sản chung” – ông Châu nói.

Ông Châu góp ý nên xác định tiêu chí những người tham gia đấu giá vì luật đấu giá tài sản quy định chưa chặt chẽ, có những đơn vị mới thành lập cũng tham gia đấu giá.

“Như Thủ Thiêm vừa rồi nhà đầu tư đấu giá số tiền gấp hàng chục lần so với tiền đặt cọc là không hợp lý. Cũng có thể người tham gia đấu giá chỉ đánh bóng thương hiệu, lấy sức hút cho cổ phiếu, trái phiếu. Nếu không có những thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ thì các nhà đầu tư lại thông qua huy động vốn từ ngân hàng”

Ông Châu nhận định qua cuộc đấu giá này Thành phố mất rất lớn. Giá đất được đẩy lên, một công đất ở tỉnh chưa chắc bằng 1m2 đất ở Sài Gòn, tác hại về mặt kinh tế là không nhỏ.

“Chúng tôi đề nghị vận dụng luật đấu thầu, trước là đánh giá đề xuất dự án đầu tư của nhà đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư. Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc không đáng gì, TP không nhắm vào số tiền bỏ cọc đó mà vấn đề là phát triển Thủ Thiêm như thế nào?” – ông Châu phân tích.

Hai công ty trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa được xem xét chấm dứt hợp đồng là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đã đặt cọc 20% giá khởi điểm của lô đất đấu giá, lần lượt là 115 tỷ đồng và 203 tỷ đồng.

Công ty CP Dream Republic đã trúng đấu giá lô đất 3-5 diện tích 6.446m2 với số tiền 3.820 tỷ đồng. Ngoài tiền sử dụng đất, công ty này phải nộp 500 triệu đồng lệ phí trước bạ.

Trong khi đó, Công ty CP Sheen Mega là đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-8, diện tích 8.568,1m2. Doanh nghiệp này phải thanh toán 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Vào tháng 4, hai doanh nghiệp này có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022, nhưng không được chấp nhận.

Sau đó Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega có văn bản cam kết sẽ thanh toán khoản tiền 100 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước trước ngày 30/4 để thể hiện thiện chí tiếp tục thực hiện dự án.

Tuy nhiên sau đó hai doanh nghiệp này vẫn không nộp tiền theo cam kết.

Được biết, số tiền chậm nộp hai doanh nghiệp này phải trả hơn 2,3 tỉ đồng/ngày. Tính đến nay, số tiền chậm nộp của mỗi doanh nghiệp đã lên đến hàng trăm tỉ đồng.

An Nhiên

Theo Kinh doanh & phát triển