Xây dựng Hòa Bình nợ hơn 6.000 tỷ đồng, ai là chủ nợ?
Kết thúc năm 2022, trong khi khối nợ ngày càng phình to thì vốn của Xây dựng Hòa Bình lại giảm mạnh, khiến hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 5,4 lần.
Lộ diện những chủ nợ của Xây dựng Hòa Bình
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 4/2022, tổng tài sản của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) tính đến 31/12/2022 đạt hơn 16.926 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với hồi đầu năm nhưng giảm 9% so với thời điểm 30/9/2022.
Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 90%, ghi nhận 15.189 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2%; Tài sản dài hạn chỉ chiếm 10% đạt hơn 1.736 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn tại Xây dựng Hòa Bình lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm tới 84%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 16%.
1. Điều gì đang xảy ra với “đế chế” xây dựng Hòa Bình (HBC)?
2. Nội bộ chưa yên, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mạnh tay mua lại 250 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
3. Ông Nguyễn Công Phú xin rút khỏi HĐQT HBC, ủy quyền biểu quyết cho ông Lê Viết Hải
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Hòa Bình đạt xấp xỉ 14.283 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 1.762 tỷ đồng. Trong khi đó vốn chủ sở hữu lại giảm đến 35% xuống còn 2.643 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc năm 2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình là 5,4 lần (hồi đầu năm chỉ ở mức 1,26 lần). Có nghĩa là, tại thời điểm báo cáo số liệu gần nhất, Hoà Bình đang kinh doanh bằng 1 đồng Vốn chủ đi kèm 5 đồng Nợ.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Xây dựng Hòa Bình đi vay tổng cộng hơn 6.131 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, cao gấp 2,33 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 43% nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 9% lên mức hơn 5.100 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn cao gấp 2,6 lần so với đầu năm, tăng từ 398 tỷ đồng lên hồi đầu năm lên mức hơn 1.030 tỷ đồng.
Trong tổng nợ của Hòa Bình, nợ ngân hàng ghi nhận hơn 5.166 tỷ đồng; nợ trái phiếu hơn 961 tỷ đồng và vay bên thứ ba (cá nhân, nhân viên,…) hơn 3 tỷ đồng.
Các chủ nợ chính của Xây dựng Hòa Bình hiện gồm có: Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank),...
Hiện, doanh nghiệp xây dựng này vay ngắn hạn ngân hàng BIDV nhiều nhất với gần 2.298 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) hơn 1.297 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) hơn 145 tỷ đồng; Ngân hàng An Bình (ABBank) hơn 149 tỷ đồng;…
Về dài hạn, Xây dựng Hòa Bình vay hơn 1.030 tỷ đồng. Trong đó có tới 961,6 tỷ đồng là phát hành trái phiếu, còn lại hơn 69 tỷ đồng là nợ dài hạn ngân hàng.
Riêng Ngân hàng TMCP Hàng Hải MSB, ngoài khoản vay ngắn hạn 302 tỷ đồng còn là trái chủ sở hữu hai lô trái phiếu trị giá 376 tỷ đến hạn thanh toán vào năm 2026.
Chính vì vậy, tổng chi phí lãi vay năm 2022 tại doanh nghiệp này ghi nhận 521 tỷ, tăng đến 74% so với năm 2021 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng mạnh.
Áp lực chi phí và giá vốn hàng hóa khiến Hòa Bình lỗ kỷ lục, dòng tiền âm
Năm 2022, Xây dựng Hoà Bình lên mục tiêu 17.500 đồng tổng doanh thu, 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp mới hoàn thành khoảng 81% mục tiêu doanh thu và không đạt chỉ tiêu lợi nhuận năm. Nguyên nhân do doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn cùng với lỗ từ bán các khoản đầu tư, tăng trích lập dự phòng và chi phí lãi vay đột biến khiến Xây dựng Hoà Bình lỗ kỷ lục kể từ khi công bố báo cáo tài chính.
Cụ thể, cả năm 2022, doanh thu thuần của HBC tăng 24%, lên gần 14.123 tỷ đồng. Hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của Hòa Bình còn đến từ hoạt động tài chính khi mang lại doanh thu gần 159 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước.
Tuy doanh thu thuần tăng 24% nhưng giá vốn bán hàng còn tăng mạnh hơn với 31% lên gần 13.865 tỷ đồng. Chính vì thế, lợi nhuận gộp của Hòa Bình đã giảm mạnh 68% về còn gần 258 tỷ đồng, biên lãi gộp cũng giảm từ 7,1% về 1,8%.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, gấp 2,3 lần năm trước, lên gần 940 tỷ đồng. Đồng thời chi phí lãi vay cũng tăng đến 74%. Dưới áp lực chi phí tăng mạnh, Xây dựng Hòa Bình báo lỗ ròng năm 2022 hơn 1.138 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi 103 tỷ. Lỗ lớn năm 2022 khiến tập đoàn ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 689 tỷ đồng cuối năm ngoái.
Không chỉ lỗ kỷ lục, dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm khiến Hòa Bình phụ thuộc vào dòng tiền tài chính.
Tính đến 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 845 tỷ đồng cả năm 2022 trong khi 2021 dương 611 tỷ, phần lớn do các khoản phải thu tăng 22 từ 753 tỷ đồng lên hơn 919 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 614 tỷ trong khi dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 1.217 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 của Xây dựng Hòa Bình âm tới 1.459 tỷ đồng.
Xây dựng Hoà Bình thua lỗ trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn khi thị trường bất động sản gần như nguội lạnh. Khó khăn không chỉ xuất phát từ bên ngoài mà nội tại doanh nghiệp cũng xảy ra cuộc "nội chiến" giữa nhóm ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch.
Phía nhóm ông Nguyễn Công Phú tố ông Lê Viết Hải quản lý yếu kém đẩy doanh nghiệp vào "tình trạng khó khăn chưa từng có".
Trong khi đó, ông Hải lại cho rằng: "Những cá nhân nói trên mà chủ yếu là những người không phải cổ đông của công ty, đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của tôi mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty và không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực tài lực nhằm thâu tóm công ty".
Ông Nguyễn Công Phú xin rút khỏi HĐQT HBC
Kết quả của “cuộc chiến vương quyền” tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) có vẻ đã đến hồi kết khi theo Nghị quyết HĐQT ngày 13/02/2023 được công bố mới đây, ông Nguyễn Công Phú đã có động thái rút khỏi HĐQT HBC.
Cụ thể, HĐQT HBC đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú từ ngày 13/02/2023. Đơn từ nhiệm của ông Phú sẽ tiếp tục được xem xét thông qua tại ĐHĐCĐ sắp tới của HBC.
Với việc rút khỏi HĐQT, ông Phú ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT HBC là ông Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác liên quan đến HĐQT HBC.
Ông Phú xin rút khỏi HĐQT Xây dựng Hoà Bình trong bối cảnh tập đoàn xảy ra "nội chiến" tranh giành ghế Chủ tịch giữa nhóm ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải.
Diễn biến mới nhất là ngày 19/1, tập đoàn đã nhận được quyết định thi hành án chủ động của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP HCM với nội dung buộc doanh nghiệp tạm dừng thi hành các Nghị quyết số 50, 51 và 53 cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Đồng nghĩa với việc ông Lê Viết Hải, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Người đại diện pháp luật của tập đoàn.