Xuất hiện “điểm nóng” mới thu hút nhà đầu tư bất động sản

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) đang chứng kiến cuộc “di cư” tiến dần về các khu vực ven đô để tìm kiếm cơ hội sinh lời tại các vùng đất mới.

Với lợi thế nằm gần Hà Nội, giao thông đồng bộ, bất động sản vùng Thủ đô đang trở thành “vùng trũng” đón dòng tiền. Hà Nam đang nổi lên là một điểm sáng với nhiều kỳ vọng.

Trong 6 tháng đầu năm nay thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam đạt được kết quả tích cực. Hà Nam duy trì kết quả nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Đến hết quý II, các KCN đã thu hút được 17 dự án, trong đó có 08 dự án FDI và 09 dự án trong nước. Lũy kế đến nay, tại các KCN có 501 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó có 306 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 4.580,01 triệu USD và 195 dự án trong nước, có tổng vốn đăng ký 36.373,08 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, với lợi thế địa giới hành chính nằm sát Thủ đô, chỉ cách khu vực trung tâm Hà Nội khoảng 45 phút di chuyển, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, thu hút FDI mạnh mẽ, lượng cư dân đổ về sinh sống ngày một đông, dư địa còn lớn… BĐS ven đô đang nổi lên như một điểm sáng mới dành cho giới đầu tư đang tìm kiếm các sản phẩm tiềm năng.

Khu công nghiệp Đồng Văn IV triển khai xây dựng trên địa bàn các xã Nhật Tân, Đại Cương, Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Khu công nghiệp Đồng Văn IV triển khai xây dựng trên địa bàn các xã Nhật Tân, Đại Cương, Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh đó, yếu tố làm “tăng sức hấp dẫn” của thị trường BĐS vùng Thủ đô đó chính là đòn bẩy từ quy hoạch hạ tầng. Những năm qua, hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng đã từng bước được nâng cấp, cải thiện, góp phần gia tăng kết nối, tạo động lực phát triển giao thương, kinh tế. Đơn cử như 7 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh,…

Mới đây nhất, để thúc đẩy phát triển liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh, thành trong Vùng thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các tuyến đường bộ cao tốc như đường Vành đai 4, Vành Đai 5…Đây được coi là lực đẩy cực lớn góp phần tạo sự sôi động cho thị trường BĐS vùng Thủ đô.

Hà Nam - điểm sáng đầu tư BĐS

Giới chuyên gia nhận định, đầu tư BĐS Hà Nam hiện đang là một hướng đi đầy triển vọng bởi Hà Nam sở hữu vị trí chiến lược ngay cửa ngõ phía Nam Thủ đô, gần nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hơn nữa, với sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian tới, đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư biết nắm bắt thời cuộc khi gửi gắm dòng tiền tại các khu đô thị mới hiện đại, gần các KCN đông đúc.

Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được xem là tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Ngay sau khi được đưa vào khai thác, những hiệu quả tuyến giao thông này mang lại là tương đối rõ nét.

Năm 2010, khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa đi vào khai thác, tỉnh Hà Nam mới chỉ có 02 khu công nghiệp (KCN) là Đồng Văn I và Đồng Văn II… thì đến nay, Hà Nam có 12 KCN và 10 cụm công nghiệp đang hoạt động và quy hoạch mới.

Từ một tỉnh thuần nông, Hà Nam nhanh chóng trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao của cả nước. Hiện công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng 91% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tỷ lệ lấp đầy của các KCN vào khoảng 80%, trong đó KCN Đồng Văn I, II có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.060 dự án đầu tư còn hiệu lực trong đó: 339 dự án FDI  và 721 dự án trong nước với vốn đăng ký hơn  4,57 tỷ USD  và trên 146 nghìn tỷ đồng.

Theo Dự thảo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Hà Nam dự kiến tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,7%; phấn đấu duy trì khoảng 12%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 35% (năm 2020) lên khoảng 47 – 52% (năm 2030).

Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh chú trọng phát huy, quảng bá mạnh các lợi thế; quan tâm chuẩn bị quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và hạ tầng xã hội, như: nhà ở công nhân, nhà trẻ, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu chuyên gia nước ngoài và công nhân lao động tại các KCN.

Đặc biệt, tỉnh quan tâm quy hoạch và thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai đồng bộ với quy hoạch phát triển các KCN và khu vui chơi giải trí phục vụ chuyên gia và người lao động.

Vừa qua tỉnh đã chấp thuận và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) khởi công Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn (Duy Tiên). Dự án có tổng diện tích 4,9 ha, bao gồm 4 khối nhà cao 9 tầng với 564 căn hộ và một số căn nhà ở thấp tầng, có hệ thống cảnh quan và dịch vụ tiện ích, mang đến những trải nghiệm cuộc sống chuẩn mực và an toàn cho người lao động. Tới đây tỉnh sẽ triển khai xây dựng nhiều dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tăng cường cải thiện môi trường đầu tư thông qua những việc làm cụ thể: đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; xây dựng, hoàn thành nhiều công trình hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông kết nối Hà Nam với các tỉnh, thành phố xung quanh; tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, nhất là các dịch vụ về điện, nước sạch, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động..., tạo thuận lợi thu hút đầu tư.

 

Quan điểm thu hút đầu tư của Hà Nam là: Thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc các dự án tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống