3 phân khúc BĐS đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 1,6 tỷ USD. Con số này gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn rất hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam - TS. Sử Ngọc Khương cho hay, thị trường bất động sản Việt Nam luôn là “miếng bánh hấp dẫn” trong mắt doanh nghiệp nước ngoài. Lý do bởi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ trong độ tuổi 25-35 đông đảo, cũng là quốc gia đông dân với hơn 100 triệu người nên nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là giới trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc tại các đô thị lớn.
Theo ông Khương, có 3 phân khúc bất động sản đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm gồm bất động sản nhà ở, bất động sản văn phòng và bất động sản công nghiệp.
Đặc biệt, bất động sản công nghiệp luôn là điểm sáng về thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thực tế, Việt Nam cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm “xây tổ đón đại bàng” và đã kêu gọi được nhiều “ông lớn” như Samsung, Intel, LG Electronics… đến đầu tư.
Theo số liệu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản (VARS), tính đến nay hiện Việt Nam đang có 418 Khu công nghiệp được thành lập, trong đó 298 khu đã đi vào hoạt động. Quý I/2024, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp rất lớn và có xu hướng tăng.
Giá đất khu công nghiệp tăng ổn định từ 8-12%/ năm, còn giá thuê miền Bắc trung bình 135 USD/m2, miền Nam trung bình đạt 188 USD/m2/ chu kỳ thuê. Tỷ lệ lấp đầy đạt 75%, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82%, các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.
Theo ông Micheal Piro, Co-CEO Tập đoàn Indochina Capital, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam thể hiện sự ổn định không chỉ về chính trị mà còn cả bối cảnh vĩ mô, nơi kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 với lạm phát duy trì ở mức thấp và tỷ giá được kiểm soát ổn định so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này khiến thị trường bất động sản Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư ưa thích của các nhà phát triển bất động sản nước ngoài. Mỗi phân khúc bất động sản của Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.
Ở góc độ pháp lý, ông Micheal Piro cho rằng, những đổi mới ở các sắc luật điều chỉnh thị trường bất động sản sẽ giảm bớt những rào cản hành chính phức tạp và kéo dài để có quỹ đất sạch và đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái quốc tế. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng hy vọng các luật mới sẽ mang tới lời giải cho bài toán minh bạch tài chính, pháp lý dự án… để thuận tiện hơn trong việc rót vốn.
Ông Khương cho biết, hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đầu tư vào bất động sản Việt Nam, nhưng số lượng cũng như nguồn vốn hạn chế hơn so với trước đây do gặp nhiều khó khăn về pháp lý. Đối với bất động sản công nghiệp, dòng vốn FDI đang đi thụt lùi trong 2 năm qua. Các phân khúc bất động sản khác như du lịch, văn phòng… cũng gặp tình trạng tương tự.
“Nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực mạnh về tài chính nhưng lại vướng vấn đề pháp lý tại Việt Nam, nhất là trong công tác đền bù, giải tỏa, quy hoạch… rất nhiêu khê, luật này chồng chéo luật kia. Đây là vấn đề nhất thời hay lâu dài phụ thuộc vào sự giải quyết rốt ráo của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, giảm bớt thủ tục khó khăn, nhất là với các dự án luật mới”, ông Khương nhấn mạnh.