5 biến động lớn nhất tại 'Big4 ngân hàng' năm 2021

Năm 2021 đã khép lại, ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý cả trên khía cạnh chính sách lẫn hoạt động của các ngân hàng thương mại. Trong đó, nhóm Big 4 ngân hàng gồm: Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV ghi nhận hàng loạt biến động lớn.

Mặc dù một số ngân hàng tư nhân đang lớn lên rất nhanh nhưng nói đến quy mô và sức ảnh hưởng tới thị trường, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn nghiễm nhiên gắn liền với danh "ông lớn", "Big4 ngân hàng". Trong mắt nhà đầu tư hay lực lượng lao động ngành ngân hàng, hoạt động kinh doanh của nhóm "Big 4" này vẫn luôn tạo được sự chú ý rất lớn.

Nợ xấu tại ngân hàng Agribank tăng kỷ lục, cán mốc 24.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước và sau thuế tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đạt 9.464 tỷ đồng và gần 7.573 tỷ đồng, đều tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, chất lượng tài sản của Agribank đang có dấu hiệu đi xuống khi nợ xấu vẫn còn khá lớn, đặc biệt là các khoản nợ tiềm ẩn và lãi dự thu có xu hướng tăng nhẹ.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2021, tổng nợ xấu nội bảng của Agribank tăng 13% so với đầu năm, lên gần 24.429 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ xấu của Agribank tăng thêm trên 2.000 tỷ đồng do nhóm nợ dưới tiêu chuẩn tăng 90% lên mức hơn 5.211 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng vọt 102% lên gần 4.906 tỷ đồng, tuy nợ có cả khả năng mất vốn giảm 13% về mức 14.311 tỷ đồng nhưng vẫn mở mức cao nhất nhì ngành. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Agribank tăng nhẹ 1,78% hồi đầu năm lên 1,98%.

Đáng nói, cũng tại thời điểm này, nợ cần chú ý tại Agribank (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng 24% lên hơn 37.147 tỷ đồng. Con số này còn lớn hơn cả 3 nhóm nợ trên cộng lại.

5 biến động lớn nhất tại 'Big4 ngân hàng' năm 2021 - Ảnh 1

Cần lưu ý, những con số trên thực sự vẫn chưa thể hiện đầy đủ thực trạng nợ xấu của Agribank do hệ thống ngân hàng đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cần phải nhấn mạnh những con số trên mới chỉ là nợ xấu nội bảng. Vùng nhận diện nợ xấu thực tế của Agribank sẽ mở rộng hơn nhiều khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo số liệu mới nhất, trong 11 tháng đầu năm 2021, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm; dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm gần 70%.

Về nguồn vốn, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn huy động của Agribank đạt 1,54 triệu tỷ đồng.

Agribank cho rằng tình hình dư nợ tăng trưởng chậm và nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho toàn ngành ngân hàng. Theo đó, kết quả tài chính của Agribank cũng bị ảnh hưởng, nhất là khi thực hiện giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Ngân hàng cho biết trong những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh còn tiếp diễn khiến hoạt động kinh doanh của Agribank đang và sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Vietinbank và Vietcombank có tân Chủ tịch 7X

Sau các bước quy trình và thủ tục, đầu tháng 9/2021, cả hai Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước là Vietcombank và VietinBank chính thức có “tân chủ tịch”. Ðiểm chung nổi bật: hai thuyền trưởng đứng đầu hai nhà băng này đều thuộc thế hệ 7X, học hành bài bản và lăn lộn thương trường đến mức rất thấu hiểu ngân hàng.

Ngày 1/9/2021, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức công bố các quyết định, nghị quyết về công tác cán bộ. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam đã chính thức nhận quyết định đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy Vietcombank và chức danh Chủ tịch HĐQT.

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Vietcombank    
Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Vietcombank    
Trên thị trường tài chính, cái tên ông Phạm Quang Dũng không xa lạ với giới tài chính ngân hàng và đặc biệt là người lớn lên và trưởng thành cùng với sự phát triển của Vietcombank qua từng thời kỳ.

Ông Phạm Quang Dũng, sinh năm 1973, có bằng Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Birmingham (Anh quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Ông bắt đầu công tác tại Vietcombank từ năm 1994, từng kinh qua nhiều chức vụ quản lý như: Phó Chánh Văn phòng, Phó Giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại Hồng Kông, Trưởng phòng Quan hệ Ngân hàng đại lý, Phó Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc. Ông Phạm Quang Dũng chính thức được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vietcombank từ tháng 11/2014 đến nay. 

Đến ngày 7/9, ông Trần Minh Bình - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VietinBank được bổ nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy VietinBank nhiệm kỳ 2020 - 2025 và được HĐQT VietinBank bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Ông Trần Minh Bình - Tân Chủ tịch HÐQT VietinBank.  
Ông Trần Minh Bình - Tân Chủ tịch HÐQT VietinBank.  
Ông Trần Minh Bình sinh ngày 7/12/1974 tại Quảng Bình, có bằng Thạc sỹ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân - Đại học ULB (Bỉ); cử nhân, chuyên ngành Kế toán, Học viện Ngân hàng; trình độ lý luận chính trị cao cấp. Ông Bình có hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc trong hệ thống VietinBank, trong đó có 17 năm đảm nhận vị trí cán bộ quản lý nghiệp vụ trọng yếu từ trụ sở chính đến chi nhánh và 8 năm đảm nhận vị trí lãnh đạo cấp cao tại VietinBank.

Ông Trần Minh Bình công tác trong hệ thống VietinBank từ tháng 1/1999, trải nghiệm toàn diện các mảng nghiệp vụ kinh doanh trọng yếu của ngân hàng.

Nhóm Big4 ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ

5 biến động lớn nhất tại 'Big4 ngân hàng' năm 2021 - Ảnh 2

Sau thời gian dài đợi chờ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP đã mở đường cho các ngân hàng quốc doanh được tăng vốn điều lệ bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngày 24/12/2021, BIDV đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 2% và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,77%.

Tại Vietcombank, ngân hàng chốt danh sách cổ đông ngày 23/12/2021 để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 27,6%.

Trước đó vào tháng 7/2021, VietinBank đã phát hành hơn 1,08 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 29%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận để lại sau trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt năm 2017, 2018 và 2019.

Bên cạnh đó, Agribank cũng được "đặc cách" tăng vốn điều lệ bằng tiền ngân sách sau khi được Quốc hội đồng ý vào năm 2020. Báo cáo tài chính năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, việc tăng vốn điều lệ này đã được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2021 với mức tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi thực hiện xong, BIDV sẽ tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân vốn điều lệ với hơn 50.585 tỷ đồng, vượt qua VietinBank và Vietcombank. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có VietinBank đã hoàn thành được kế hoạch và đang chiếm giữ vị trí quán quân.

Việc tăng vốn cho Big4 ngân hàng có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cho nhóm ngân hàng top đầu này duy trì được động lực tăng trưởng, đồng thời đảm bảo được các chỉ số an toàn vốn.

Vietcombank lần đầu chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 10 năm

Đầu tháng 12/2021, Vietcombank có nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền, năm 2019 bằng cổ phiếu.

Cụ thể, ngân hàng sẽ chia cổ tức tiền mặt năm 2020, tỷ lệ 12%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VCB sẽ nhận 1.200 đồng.

Đồng thời phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 và cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 là 23/12/2021. Ngay chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là 5/1/2022.

Đây là lần chia cổ tức bằng cổ phiếu đầu tiên sau 10 năm kể từ lần đầu tiên kể từ năm 2011. Trong khi đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt được ngân hàng thực hiện thường niên. Trước đó, Vietcombank cũng thực hiện trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 8%.

Big4 ngân hàng "chơi lớn", miễn phí toàn bộ giao dịch online

5 biến động lớn nhất tại 'Big4 ngân hàng' năm 2021 - Ảnh 3

Giữa năm 2021, Agribank tuyên bố miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước kể cả giao dịch trực tiếp lẫn online nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Những ngày qua, "ông lớn" ngân hàng Vietcombank, BIDV đồng loạt thông báo miễn phí toàn bộ chuyển khoản online từ 1/1/2022 thu hút được sự quan tâm của hàng triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại các ngân hàng. Mới đây nhất, không nằm ngoài cuộc chơi "zero fee", ngân hàng VietinBank cũng miễn phí toàn bộ giao dịch online.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2021, tính đến 30/9, ba ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank là Top dẫn đầu về số dư tiền gửi khách hàng. Lượng tiền tại đây đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm đến 45% tổng số tiền gửi khách hàng của nhóm 28 ngân hàng khảo sát.

Trong đó BIDV là ngân hàng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm 2020. Tại VietinBank, số dư tiền gửi tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm. Trong đó số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt 172.640 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm và chiếm khoảng 17% trong tổng số dư huy động.

Hy sinh mảng thu nhập từ thanh toán, các "ông lớn" ngân hàng dường như đang tính toán một nước đi mới cho mình. Việc miễn phí các giao dịch chuyển tiền sẽ khiến các khách hàng tích cực mở mới và sử dụng tài khoản thanh toán nhiều hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc giá trị tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng sẽ tăng lên. Đây là nguồn vốn giá rẻ từng mang lại lợi thế rất lớn cho một số ngân hàng cổ phần, mà khởi đầu chính sách "zero fee" là Techcombank.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ