Trái chiều 'room ngoại' tại ngân hàng Việt

Trong khi một số ngân hàng như Techcombank, MSB,... đã kín room ngoại, thì một số ngân hàng vẫn còn trống room như VietABank,... Tuy nhiên, mục đích chung của các ngân hàng đều mong được nới room ngoại hơn nữa.

Trong khi một số ngân hàng như Techcombank, MSB,... đã kín room ngoại, thì một số ngân hàng vẫn còn trống room như VietABank,... Tuy nhiên, mục đích chung của các ngân hàng đều mong được nới room ngoại hơn nữa.

Tính tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng niêm yết hoàn toàn trái chiều. Hiện chỉ có 15 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Trong đó, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại, như ACB, ABBank, Eximbank, MB, MSB, OCB, Techcombank, TPBank....

Ngoài các ngân hàng đã gần kín room vốn ngoại, trên thị trường vẫn còn rất nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, thậm chí vẫn còn nguyên 100% room ngoại chưa sử dụng đến, như SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank…

Thậm chí, một số ngân hàng dù còn nguyên room ngoại vẫn đăng ký khóa bớt room để tạo không gian tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, vì lo sợ nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ lấp đầy room.

Trái chiều 'room ngoại' tại ngân hàng Việt - Ảnh 1

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, cá nhân nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng, tổ chức nước ngoài không quá 15% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược không quá 20% vốn điều lệ, nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Do tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã khá lớn, trong khi phải thúc đẩy tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã phải tạm phải khóa room ngoại thấp hơn mức 30% để  sẵn sàng đón đối tác mới.

Chẳng hạn ngân hàng Techcombank đã khóa room ngoại ở mức 22,5%; HDBank ở mức 21,5%, SHB tạm khóa room ngoại ở mức 10%, SeABank và VietCapital Bank ở mức 5%, khóa OCB khóa room ngoại ở mức 22%, LienVietPostBank 10%,… Hay như, VPBank cũng giới hạn tỷ lệ room ngoại hiện tại chỉ là 15%. Phần room ngoại còn trống, tương ứng 15% vốn điều lệ VPBank, bằng tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng.

Điển hình, 3 “ông lớn” là Vietcombank, Viettinbank và BIDV có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 16,7-25,5%. Trong khi Agribank đang chuẩn bị cổ phần hóa, như vậy tính bình quân tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 ngân hàng nhà nước lớn mới chỉ loanh quanh ở mức 16-17%, vẫn còn dư địa tới 13% trong khu vực này.

Thực tế, dù ngân hàng đã kín room ngoại hay vẫn còn trống room, điểm chung của các ngân hàng này đều mong được nới room ngoại hơn nữa để dễ bề bán vốn, nhất là khi sức ép tuân thủ chuẩn Basel II, tới đây là Basel III ngày càng tăng cao.

Để gọi vốn nước ngoài, các ngân hàng thương mại quan tâm đến nhà đầu tư chiến lược, trong khi đó, để đem lại hiệu quả đồng vốn đầu tư thì mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư lại nhắm đến sức khỏe của đối tác kèm theo năng lực quản trị tương ứng với chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Vì thế, cùng với quá trình tái cơ cấu, việc triển khai thành công chuẩn mực Basel II mở ra cơ hội tìm kiếm và gọi vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, nói cách khác là nhà đầu tư chiến lược.

Hà Phương

Theo SHTT