6 tháng đầu năm 2022: Phân khúc biệt thự nở rộ tại TP.HCM

Hai quý đầu năm 2022 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ cả về nguồn cung và sức tiêu thụ ở phân khúc nhà phố/biệt thự tại TP.HCM. Đáng chú ý nhất, sự bùng nổ về giá bán sơ cấp, vượt xa các tỉnh lân cận.

 

6 tháng đầu năm 2022: Phân khúc biệt thự nở rộ tại TP.HCM - Ảnh 1

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong 6 tháng đầu năm 2022 của DKRA Việt Nam, phân khúc nhà phố/biệt thự ghi nhận 29 dự án mở bán, gồm 18 dự án mới và 11 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo. 

Nguồn cung mới ra thị trường đạt 3.142 căn, chỉ bằng 55% so với cùng kỳ (svck) năm 2021 (5.730 căn), bằng 75% so với 2 quý trước đó (4.199 căn). Tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt gần 64% tổng nguồn cung (2.007 căn), bằng 88% svck năm 2021 (2.291 căn), và bằng gần 77% so với 2 quý trước đó (2.626 căn).

6 tháng đầu năm 2022: Phân khúc biệt thự nở rộ tại TP.HCM - Ảnh 2

Tỷ lệ nguồn cung mới phân chia không đồng đều giữa các khu vực và các dự án. Theo đó, phần lớn nguồn cung mới tập trung tại 3 tỉnh, thành gồm: Long An (21%), TP.HCM (29%) và Đồng Nai (32%); và chỉ tập trung cục bộ tại các dự án lớn, có quy hoạch bài bản, được phát triển bởi các chủ đầu tư có uy tín và năng lực.

DKRA Việt Nam nhận định, nguồn cung mới nhà phố/biệt thự đang có xu hướng dịch chuyển dần từ TP.HCM ra các tỉnh vệ tinh lân cận như Đồng Nam, Long An, Bình Dương… Đây là các khu vực có lợi thế về quỹ đất, cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện và quy hoạch giao thông kết nối liên tỉnh đang được triển khai.

Xét về tỷ lệ hấp thụ của thị trường, DKRA Việt Nam đánh giá, sức hấp thụ đối với phân khúc này trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức trung bình.

Điều đáng chú ý nhất ở phân khúc này tại thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh là giá bán sơ cấp. Theo số liệu trong báo cáo của DKRA ghi nhận sự tăng giá chóng mặt đối với loại hình biệt thự tại TP.HCM và Đồng Nai. Có nơi tại TP.HCM ghi nhận giá bán sơ cấp lên đến 700 tỷ đồng/căn. Còn tại Đồng Nai ghi nhận giá bán cao nhất lên đến 107 tỷ đồng/căn. Điều đáng nói là, trong báo cáo tháng 5 của DKRA, giá bán sơ cấp cao nhất tại TP.HCM chỉ là 77,2 tỷ đồng/căn, tại Đồng Nai là 94,7 tỷ đồng/căn.

6 tháng đầu năm 2022: Phân khúc biệt thự nở rộ tại TP.HCM - Ảnh 3

Xét riêng tại thị trường TP.HCM, theo số liệu báo cáo của DKRA Việt Nam, 6 tháng đầu năm ghi nhận sự bùng nổ về nguồn cung và sức tiêu thụ nhà phố/biệt thự.

Cụ thể, có 15 dự án mới mở bán, gồm 9 dự án mới và 6 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung ra thị trường đạt 921 căn, tăng 27% so với 6 tháng đầu năm 2021 (724 căn), gấp hơn 5 lần 2 quý trước đó (179 căn). Tỷ lệ hấp thụ bằng 62% nguồn cung (572 căn), tăng 15% svck năm 2021 (497 căn), gấp 1,6 lần so với 2 quý trước đó (khoảng 38,5%).

Theo DKRA, nguồn cung và lực cầu của thị trường TP.HCM tập trung chủ yếu tại khu Đông, chiếm 58% tổng nguồn cung và 65% tổng lượng tiêu thụ. Nguồn cung mới tuy gia tăng đáng kể nhưng chủ yếu yếu tại các dự án quy mô nhỏ, số lượng hạn chế. Trong khi lượng tiêu thụ tập trung tại các dự án quy mô lớn, do các chủ đầu tư lớn phát triển.

Mặt bằng giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 5 - 10% so với 2 quý đầu năm 2021 kèm theo nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất… được các chủ đầu tư áp dụng để hỗ trợ người mua.

6 tháng đầu năm 2022: Phân khúc biệt thự nở rộ tại TP.HCM - Ảnh 4

DKRA Việt Nam dự báo, trong 2 quý cuối năm 2022, phân khúc nhà phố/biệt thự sẽ ghi nhận nguồn cung mới tăng nhẹ so với 2 quý đầu năm. Dự kiến có thể đạt khoảng 4.000 - 5.000 căn, Đồng Nai sẽ giữ vững vị trí dẫn đầu về nguồn cung với 1.500 căn. Theo sau lần lượt là Long An và Bình Dương với khoảng 1.000 căn. Nguồn cung tại TP.HCM sẽ giảm nhẹ so với đầu năm, dao động khoảng 600 căn.

Lực cầu của thị trường với phân khúc này sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định so với giai đoạn đầu năm. Những dự án được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín, năng lực tài chính vững mạnh tiếp tục trở thành “tâm điểm” thu hút lực cầu của thị trường.

Tại thị trường TP.HCM, khu Đông vẫn tiếp tục là khu vực dẫn dắt cả về nguồn cung mới và tỷ lệ hấp thụ.

Mặt bằng giá bán sơ cấp sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng do áp lực tài chính đầu vào và yếu tố lạm phát tăng. Thị trường thứ cấp cũng tiếp tục duy trì ổn định nhưng trong ngắn hạn khó xuất hiện sự đột biến về thanh khoản.

Theo Chất lượng và Cuộc sống