Ai là chủ nợ lớn nhất tại các 'ông lớn' ngành thép?
Trong khi báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 của các doanh nghiệp thép như Nam Kim, tập đoàn Hoa Sen đều liệt kê cụ thể các chủ nợ cho vay ngắn hạn cũng như dài hạn thì Tập đoàn Hòa Phát lại ỉm đi.
Mặc dù cũng chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng nhờ tình hình xuất khẩu tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp thép vẫn báo lãi lớn trong quý 3/2021, thậm chí có doanh nghiệp báo lãi 9 tháng đã vượt chỉ tiêu cả năm đề ra.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng vượt 45% kế hoạch năm. Tương tự, 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thép Nam Kim (NKG) đạt 19.393 tỷ đồng và lãi ròng 1.773 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,4 lần và gấp 12,6 lần cùng kỳ.
Có một thực tế là phần lớn, các doanh nghiệp thép đang niêm yết đều đang phải gánh những khoản nợ cả nghìn tỷ thậm chí vài chục nghìn tỷ đồng.
Chẳng hạn tại NKG, tính đến 30/9/2021, tổng nợ phải trả tăng vọt 129% so với đầu năm, lên gần 10.515 tỷ đồng, chiếm tới 67% tổng tài sản. Trong đó, tổng nợ vay tài chính ghi nhận hơn 4.561 tỷ đồng, tăng 52%.
Cụ thể, nợ vay ngắn hạn tại NKG ghi nhận hơn 4.338 tỷ đồng, tăng vọt 74% so với đầu năm, chủ yếu là vay các ngân hàng. Trong đó, chủ nợ ngắn hạn lớn nhất là ngân hàng BIDV với gần 1.748 tỷ đồng, ngoài ra còn có ngân hàng Vietcombank hơn 103 tỷ đồng; MSB hơn 504 tỷ đồng;… Ngược lại, nợ vay dài hạn tại NKG giảm 63% xuống còn hơn 178 tỷ đồng và ngân hàng BIDV là chủ nợ duy nhất.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, vay nợ ngắn hạn tại HSG chủ yếu từ ngân hàng, chủ nợ lớn nhất là ngân hàng Vietcombank với hơn 1.513 tỷ đồng; tiếp đến là ngân hàng HSBC hơn 1.186 tỷ đồng; Vietinbank hơn 861 tỷ đồng;…
Tương tự, vay nợ dài hạn tại HSG cũng chủ yếu từ ngân hàng Vietcombank với hơn 260 tỷ đồng; tại Vietinbank gần 1.138 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản vay dài hạn từ ngân hàng đến hạn trả tại HSG ghi nhận hơn 606 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ ở mức hơn 32 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2021, HPG có tổng nợ phải trả hơn 90.317 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm, chiếm 52% tổng tài sản. Trong đó, tổng nợ vay tài chính hơn 61.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, chiếm 68% nợ phải trả. Bao gồm vay nợ ngắn hạn tăng 18% lên gần 43.357 tỷ đồng và vay nợ dài hạn gần 17.711 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của Hòa Phát tăng trưởng hơn 43.000 tỷ đồng, lên hơn 174.000 tỷ đồng. Trong đó có sự ‘đóng góp’ của gần 7.000 tỷ đồng nợ vay tăng thêm, lên mức 61.000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong khi báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 của các doanh nghiệp như HSG, NKG đều thuyết minh chi tiết các chủ nợ thì báo cáo tài chính tại HPG lại không liệt kê cụ thể các chủ nợ cho vay ngắn hạn cũng như dài hạn. Vì vậ y, khoản vay nợ hơn 61.000 tỷ đồng tại Hòa Phát từ những đâu vẫn là một dấu hỏi lớn.
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2021, các khoản vay nợ ngắn hạn tại Hòa Phát tại ngày 30/6 chủ yếu là bằng Việt Nam đồng trị giá hơn 21.242 tỷ đồng, theo sau là các khoản vay bằng USD với giá trị qui đổi là 13.365 tỷ đồng.
Một phần các khoản vay ngắn hạn này được bảo đảm bằng nhiều loại tài sản của Hòa Phát như tiền và tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng, hàng tồn kho, tài sản cố định. Ngoài ra, một số thành viên HĐQT của Hòa Phát cũng dùng cổ phiếu HPG thuộc sở hữu cá nhân để bảo đảm cho các khoản vay ngắn hạn của tập đoàn.
Đáng nói, Hòa Phát cũng không liệt kê cụ thể các chủ nợ vay ngắn hạn của tập đoàn.
Tại ngày 30/6/2021, Hòa Phát có dư nợ vay dài hạn gần 21.386 tỷ đồng, trong số này có gần 5.663 tỷ đồng đến hạn trả trong vòng 12 tháng đã được tính vào nợ vay ngắn hạn nói đến ở trên.
Chủ nợ dài hạn lớn nhất của Hòa Phát là Vietinbank – Chi nhánh Hà Nội với số dư 8.134 tỷ đồng. Kế đến, các chi nhánh của Ngân hàng Vietcombank cho Hòa Phát vay tổng cộng gần 7.923 tỷ đồng.
Các khoản vay dài hạn này được bảo đảm bằng tiền gửi có kì hạn, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang và bảo lãnh bởi công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát.
Các khoản vay dài hạn bằng Việt Nam đồng chịu lãi suất từ 5,2% đến 8,8% một năm, khoản vay bằng USD chịu lãi suất LIBOR + 2,05% một năm.
Trong quý 3/2021 Hòa Phát ghi nhận 675 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 25% so với cùng kỳ 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế ba quý đầu năm, Hòa Phát phải thanh toán gần 1.900 tỷ đồng lãi vay, tăng 23%.
Được biết, Hòa Phát đang chuẩn bị triển khai Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024 hoặc 2025. Vì vậy nhu cầu vay vốn của Hòa Phát trong thời gian tới sẽ tiếp tục lên cao.