Ảnh hưởng COVID-19, Hà Nội vẫn thu hút 1,28 tỷ vốn FDI trong 9 tháng năm 2021

Mặc dù chịu những tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, trong 9 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD, qua đó đóng góp vào 10% tổng thu ngân sách và 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Điểm đến an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài

Tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19" do Thành ủy - UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 19/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Thủ đô, chính quyền TP Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hà Nội. Theo đó, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD; đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách của thành phố, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả TP.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũngphát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: HNM)  
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũngphát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: HNM)  

"Đây là một minh chính vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hà Nội, và là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, với quyết tâm hỗ trợ, đồng hành giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, từ ngày 21/9/2021 đến nay, TP đã cấp phép điều chỉnh cho một số dự án lớn với vốn tăng thêm 340 triệu USD.

Cùng với đầu tư nước ngoài, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhà đầu tư và công ty trong nước cũng quan tâm mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng cho hệ sinh thái bền vững và hứa hẹn ngày càng sôi động. Thu hút đầu tư trong nước 9 tháng đầu năm đạt 9.650 tỷ đồng, gồm 12 dự án mới với tổng vốn 1.799 tỷ đồng và 59 dự án tăng vốn 7.852 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 17.328 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 232,3 nghìn tỷ đồng. Điều đáng mừng là có 8.310 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 77% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 9/2021, trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 318.789 doanh nghiệp.

Tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư

Ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, với tinh thần luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch nhằm biến “nguy” thành “cơ”, Thành ủy, HĐND, UBND và UB Mặt trận Tổ quốc luôn coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thành phố đã ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện, TP đang hoàn thiện Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính, 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh được thực hiện qua mạng, trong đó 31% đạt cấp độ 4. Thực hiện liên thông giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn 8 ngày so với quy định. Đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư có sử dụng đất; rút ngắn thời gian thực hiện 26 thủ tục hành chính lĩnh vực công thương. 150 thủ tục hành chính về thuế được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% thủ tục về bảo hiểm được tiếp nhận qua hệ thống một cửa điện tử, 99,8% đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.  
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.  

TP đã ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Hỗ trợ cho người lao động vay phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 238 tỷ đồng theo Quyết định số 4026/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của UBND TP.

Trong lĩnh vực thuế, đã hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế đối với số thuế GTGT và gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất cho 29.700 doanh nghiệp và hộ kinh doanh với tổng số tiền trên 22.000 tỷ đồng. Không xử phạt đối với các trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế nằm trong vùng cách ly...

Về bảo hiểm, đã giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng cho 87.500 doanh nghiệp tương ứng 1,45 triệu lao động với số tiền hơn 643 tỷ đồng. Giải quyết các chế độ bảo hiểm kịp thời đúng quy định; hỗ trợ dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất đối với 99 đơn vị, doanh nghiệp tương ứng 8.216 người lao động với số tiền 58 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP đã bố trí hơn 352 tỷ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo kế hoạch năm 2021; bố trí 165 tỷ đồng hỗ trợ giá nước sạch. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố vẫn duy trì đảm bảo thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu khẩn trương, thông suốt và an toàn.

"Nhìn chung, công tác hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn của đại dịch đã được triển khai kịp thời, đúng lúc, toàn diện và đa dạng hình thức, góp phần thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh", ông Đỗ Mạnh Quyền khẳng định.

Theo ông Quyền, với tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu việt của mình, TP Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Chính quyền TP Hà Nội cam kết sẽ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thu An

Theo Doanh nghiệp Việt Nam