Áp giá đất đền bù mới sẽ giúp khơi thông hàng loạt dự án

(CL&CS) - Nút thắt về giải phóng mặt bằng tại TP.HCM sẽ được tháo gỡ khi mức giá đền bù tăng, thị trường địa ốc cũng vì vậy mà trở nên sôi động hơn.

Bồi thường, giải phóng mặt bằng là vấn đề rất khó khăn của TP.HCM từ trước tới nay. Kéo theo đó là dự án chậm tiến độ, thậm chí thi công gần xong, nhưng vẫn phải “đắp chiếu”.

Đơn cử, tại Dự án cầu Nam Lý nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP. Thủ Đức), có tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016, nhằm thay thế cho cống đập Rạch Chiếc đang xuống cấp. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng đến năm 2019, mới đạt khoảng 39% khối lượng và ngưng thi công từ đó đến nay để chờ mặt bằng.

Cách đó không xa là Dự án cầu Tăng Long, tọa lạc trên đường Lã Xuân Oai, khởi công từ tháng 12/2017, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng. Kế hoạch hoàn thành năm 2019, nhưng cầu mới đạt hơn 30% khối lượng rồi “trùm mền” suốt 3 năm qua.

Tương tự, cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (nhánh sông Đồng Nai) nối đôi bờ của 2 phường Long Bình - Long Phước, khởi công từ tháng 3/2017, với tổng mức đầu tư 353 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, dự án thực hiện được hơn 50% phải dừng thi công từ tháng 12/2018 do vướng mặt bằng.

Nhiều dự án đầu tư công ở TP.HCM dang dở do giải phóng mặt bằng
Nhiều dự án đầu tư công ở TP.HCM dang dở do giải phóng mặt bằng

Mới đây, Thành phố đã hoàn tất di dời 103 hộ dân có nhà, đất nằm trong quy hoạch và vào sáng ngày 8/9/2022, lễ bàn giao – tiếp nhận mặt bằng được tổ chức để tiếp tục triển khai dự án. Ban Giao thông cam kết quyết tâm hoàn thành cầu vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, một loạt dự án hạ tầng giao thông khác dự kiến được bàn giao mặt bằng “sạch” trong thời gian tới để thi công gồm cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Nam Lý, cầu Ông Bồn, đường Lương Định Của ( TP. Thủ Đức); cầu Vàm sát 2 (Cần Giờ); đường Tên Lửa, đường Tân Kỳ – Tân Quý (quận Bình Tân); cải tạo đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng Hòa, (quận Tân Bình)…

“Hiện UBND Thành phố đã thành lập 3 tổ công tác và cùng với tổ giải phóng mặt bằng thường xuyên làm việc với người dân, chủ đầu tư dự án để tháo gỡ vướng mắc. Do đó, chắc chắn sẽ có chuyển động lớn trong công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh tái khởi động các dự án giao thông chậm tiến độ nhiều năm, việc áp dụng hệ số K mới cũng giúp thúc đẩy thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia như tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 vùng TP.HCM, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài…

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, ước tính có tới hơn 80% dự án, công trình ì ạch, chậm trễ do vướng mặt bằng. Các dự án hạ tầng chậm tiến độ không chỉ cản trở phát triển của Thành phố, mà còn khiến chi phí giải phóng mặt bằng tiếp tục đội lên rất nhiều, kéo theo điệp khúc đội vốn do trượt giá, biến động tỷ giá, tăng chi phí dự phòng... Nhiều dự án phải chờ đến gần 20 năm vẫn chỉ nằm trên giấy.

Lấy ví dụ, dự án Vành đai 2 vùng TP.HCM dài hơn 64 km, bắt đầu xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay chưa hoàn thành khi vẫn còn 14 km (chia làm 4 đoạn) chưa được xây dựng. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Điều đáng nói hơn là việc dự án Vành đai 2 chậm hoàn thiện đã khiến một loạt dự án bất động sản dọc tuyến đường đi qua rơi vào tình cảnh phải nằm chờ, một trong số đó là dự án Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ tại phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức có diện tích hơn 8.303 m2 do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh bất động sản Đất Phương Nam (Công ty Đất Phương Nam) làm chủ đầu tư.

Từ tháng 6/2021, Công ty Đất Phương Nam đã triển khai thủ tục đầu tư và được Sở Kế hoạch và Đầu tư thụ lý lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, nhưng hiện chỉ còn duy nhất Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có ý kiến với lý do dự án vướng mắc ở khâu kết nối giao thông khi mới có đường nội bộ tạm kết nối vào dự án, còn hướng chính vẫn đang chờ đường Vành đai 2 hoàn thiện.

Chung cảnh ngộ là 2 dự án chung cư cao tầng khác cũng tại khu vực này của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Thiên Phúc Lợi (Công ty Thiên Phúc Lợi) với diện tích 50.111 m2 và Tập đoàn Hưng Thịnh với diện tích gần 29.000 m2, đều chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như chấp thuận nhà đầu tư vì chưa thể kết nối với đường Vành đai 2.

Trong khi đó, dự án Vành đai 2 đã được đưa vào danh mục dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm năm 2022 trên địa bàn TP.HCM, nhưng vì chi phí giải phóng mặt bằng hiện tăng lên rất cao, ngân sách Thành phố chưa bố trí được để khởi động lại dự án.

Bởi vậy, việc TP.HCM chính thức áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) mới để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức tăng mạnh, gấp 15 lần so với giá nhà nước, có nơi lên tới 35 lần, đã tạo thuận lợi lớn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, gỡ vướng cho loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm qua.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống