Áp lực hạ tầng: Doanh nghiệp địa ốc "làm khổ" khu dân cư vì lợi nhuận

TNNĐ- Việc phát triển dự án chung cư trong các khu dân cư đông đúc gây áp lực lên hạ tầng khu vực, khiến cuộc sống của người dân đã, đang và sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư sẵn sang “băm nát” quy hoạch của khu dân cư.

Áp lực hạ tầng: Doanh nghiệp địa ốc "làm khổ" khu dân cư vì lợi nhuận - Ảnh 1

Dự án 8B Lê Trực vẫn đang gặp khó trong việc xử lý phần công trình sai phạm


Áp lực hạ tầng

Được xây dựng từ năm 2009, với quy hoạch cao 22 tầng, tuy nhiên trong quá trình xây dựng, vì muốn tăng thêm lợi nhuận, chủ dự án Sakura (địa chỉ 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tự ý điều chỉnh thành 24 tầng.

Việc xây thêm tầng của chủ đầu tư cuối cùng đã được “hợp thức hóa”, để lại hệ quả là con phố Vũ Trọng Phụng nhỏ hẹp phải gánh thêm lượng dân cư lớn hơn so với quy hoạch được duyệt và trở nên quá tải.

Bên cạnh đó, Dự án Hapulico với 5 tòa tháp mới được khánh thành, cũng nằm trên phố Vũ Trọng Phụng, đang gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông khu vực.

Trước đó, khi còn chưa hoàn thành, Dự án Hapulico, nằm giữa khu dân cư đông đúc và hạn chế về giao thông, từng được cảnh báo sẽ gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt, chủ đầu tư “thừa sức” bán được sản phẩm với giá cao, nên cuộc sống cư dân sau này gặp khó khăn ra sao vì hạ tầng hạn chế không phải là yếu tố quan trọng đối với chủ đầu tư.


Cũng tại quận Thanh Xuân, Dự án 283 Khương Trung của CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng (VIDEC) đang gây băn khoăn khi triển khai tổ hợp gồm 3 tòa tháp với quy mô trên 500 căn hộ trong con phố nhỏ bình thường, vốn luôn xảy ra cảnh tắc đường triền miên. Tình trạng ùn tắc tại con phố này càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi 2 trong số 3 tòa tháp đã bàn giao nhà, với hàng nghìn cư dân chuyển về sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Hải, một cư dân sống ở phố Khương Trung, khi được hỏi về tình trạng tắc đường sau khi 2 tòa tháp A,B, thuộc Dự án 283 Khương Trung được bàn giao ngao ngán cho biết: “Chẳng hiểu các ông quy hoạch tính toán thế nào mà cho phép xây dựng cả tổ hợp chung cư trong con phố chỉ nhỏ như cái ngõ này?”.

Người dân bức xúc, cuộc sống của cư dân mới chuyển tới cũng không lấy làm dễ chịu. Anh Nguyễn Ngọc Long, khách hàng mua căn hộ tại Tòa A, Dự án 283 Khương Trung không giấu được sự “bàng hoàng” khi kể về cảnh tắc đường tại con phố này.

Theo anh Long, tình trạng tắc đường tại phố Khương Trung sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa một khi tòa tháp thứ 3 là Star Tower, với quy mô căn hộ rất lớn đang được mở bán, sẽ đi vào sử dụng trong nay mai. Đặc biệt, tuyến phố Khương Trung rất khó để có thể mở rộng nên khách mua nhà và người dân bản địa chắc chắn phải sống “chung thân” với cảnh tắc đường.

Khó ngăn chặn và xử lý

Ngoài đường Vũ Trọng Phụng, Khương Trung, tại Hà Nội, hàng loạt dự án chung cư khác cũng đang len lỏi trong các con phố nhỏ, giữa khu dân cư đông đúc, dự kiến sẽ khiến cuộc sống của cư dân khốn đốn trong tương lai.

Chẳng hạn, Dự án Diamond Blue đang triển khai trong con phố nhỏ Triều Khúc, khi hoàn thiện chắc chắn sẽ gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông của khu dân cư nơi đây. Hoặc Dự án Sky Định Công, nằm trong ngõ 115 phố Định Công, tuy đang bị “đắp chiếu” nhưng nếu hoàn thiện, cuộc sống người dân sẽ gặp khó khăn vì những hạn chế về hạ tầng.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng, tình trạng các chung cư mới mọc lên phá vỡ quy hoạch khu dân cư diễn ra khá phổ biến và có nguyên nhân chủ yếu từ phía DN.

Cụ thể, nhiều DN sở hữu các khu đất, để tối ưu hóa lợi nhuận, họ thường xin được xây chung cư. Trong quá trình triển khai dự án, nhiều DN xây vượt tầng để sau đó xin hợp thức hóa. Trong khi đó, vì nhiều lý do, cơ quan quản lý cũng dần chấp nhận phương án đề xuất quy hoạch của chủ đầu tư, thậm chí chấp nhận hợp thức hóa phần sai phạm, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch ở nhiều khu dân cư.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Luật Thủ đô và chủ trương chung của Hà Nội là hạn chế nhà cao tầng trong nội đô, nhưng thực tế, nhà cao tầng và nhà xây vượt chiều cao cấp phép vẫn cứ xuất hiện, gây áp lực rất lớn cho khu dân cư lân cận.

Để hạn chế tình trạng phá vỡ quy hoạch, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội mới đây đã có văn bản kiến nghị Hà Nội cân nhắc việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, trong đó, các tiêu chí ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân được đặt lên hàng đầu, như tiêu chí về hạ tầng giao thông, cây xanh, dịch vụ y tế, trường học…

Quy định và kiến nghị của cơ quan chuyên môn là vậy, nhưng vì lợi nhuận, nhiều DN vẫn sẽ sẵn sàng phá vỡ và vi phạm quy hoạch trong thực hiện dự án. Chẳng hạn, mới đây, tại dự án 8B Lê Trực, chủ đầu tư đã xây dựng vượt quy hoạch tương đương 5 tầng. Đến nay, việc xử lý sai phạm tại dự án này vẫn chỉ được chủ đầu tư làm cho có.

Dự án Diamond Blue đang triển khai trong con phố nhỏ Triều Khúc, khi hoàn thiện chắc chắn sẽ gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông của khu dân cư nơi đây. Hoặc Dự án Sky Định Công, nằm trong ngõ 115 phố Định Công, tuy đang bị “đắp chiếu” nhưng nếu hoàn thiện, cuộc sống người dân sẽ gặp khó khăn vì những hạn chế về hạ tầng.


Theo Nguyên Minh
Báo Đầu tư Bất động sản