Ba gói thầu nào khiến metro Nhổn - Ga Hà Nội có thể đội vốn thêm nhiều nghìn tỷ?
Có 3 gói thầu phát sinh chi phí lớn nhất trong số 10 gói thầu của metro Nhổn - Ga Hà Nội là gói thầu tư vấn của Systra, gói thầu CP3 và gói CP6.
Theo đó, 3 gói thầu tư vấn của Systra, gói thầu CP3 và gói CP6 có phát sinh chi phí lớn nhất, với mức phát sinh lần lượt là 2.147 tỷ đồng, 1.728 tỷ đồng và 1.586 tỷ đồng.
UBND TP.Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Kèm theo tờ trình, UBND TP.Hà Nội đã nêu ra 7 nguyên nhân ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của tuyến metro này. Trong đó, riêng việc chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí đã khiến metro Nhổn - Ga Hà Nội đội vốn lên 6.325 tỷ đồng, tương đương 19,22% tổng mức đầu tư.
Về gói thầu tư vấn của Systra (hợp đồng thời gian) do ảnh hưởng chậm trễ kéo dài tiến độ thực hiện dự án nên cần phải gia hạn thời gian và chi phí của hợp đồng tư vấn quản lý và giám sát các gói thầu xây lắp và thiết bị.
Gói thầu CP3 - hầm và các ga ngầm (Hyundai - Ghella) chậm trễ ngày khởi công; chậm giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng ngầm nổi; vướng mắc việc xử lý các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công khoan hầm; trong năm 2018, 2019 do công tác bố trí vốn khó khăn nên nhà thầu đã cắt giảm các hoạt động trên công trường để giảm thiểu chi phí.
Đến nay, gói thầu này vẫn chậm giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng ngầm nổi; vướng mắc việc xử lý các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công khoan hầm. Tiến độ thực hiện kéo dài so với ban đầu 55,5 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2027.
Đối với gói thầu CP6 - thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 1 (đầu máy toa xe, thiết bị depot, OCC/SCADA, tín hiệu, thông tin và cấp điện) do Alstom làm chủ thầu. Do các gói thầu liên quan là CP2, CP5 (đoạn trên cao) và CP3 (đoạn ngầm) bị chậm tiến độ đã kéo theo CP6 bị chậm bàn giao quyền tiếp cận công trường để lắp đặt thiết bị.
Ngoài ra, gói CP6 còn chậm tiến độ do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc sản xuất thiết bị, huy động chuyên gia ở châu Âu và vận chuyển thiết bị đến công trường.
Đáng chú ý, không chỉ 3 gói thầu trên mà 7 gói thầu còn lại cũng phát sinh chi phí do chậm tiến độ. Cụ thể: gói CP1 phát sinh 100 tỷ đồng; gói CP2 (108 tỷ đồng); CP5 (23 tỷ đồng); CP7 (199 tỷ đồng); CP8 (348 tỷ đồng); CP9 (62 tỷ đồng); gói thầu tư vấn độc lập 2-2 (23 tỷ đồng).
Được biết, không chỉ chậm trễ tiến độ, tổng mức đầu tư của metro Nhổn - Ga Hà Nội còn bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khác như sự biển động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án (tăng 159 tỷ đồng); điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng (tăng 1.341 tỷ đồng); cập nhật giá trị các công việc trong tổng mức đầu tư theo giá trị công việc hoàn thành (giảm 3.091 tỷ đồng); bổ sung các công việc do không lường trước (tăng 357 tỷ đồng); thay đổi chế độ chính sách (giảm 3.173 tỷ đồng); điều chỉnh do thực hiện kết luận của Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước (giảm 2 tỷ đồng).
Trên cơ sở đó, TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh vốn cho tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội tăng từ 32.910 tỷ đồng lên thành 34.826 tỷ đồng.
Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án ban đầu là 2009 - 2022 thành 2009 - 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào 2027 (gồm cả đoạn ngầm).
Metro Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Điểm đầu xuất phát từ Nhổn theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối Ga Hà Nội.
Dự án đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm của TP Hà Nội. Lũy kế đến 31/8/2022, dự án đã giải ngân 17.041 tỷ đồng, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75% (trong đó đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%).