Lý do nhà thầu metro Nhổn-ga Hà Nội đòi 14,7 triệu USD
Nhà thầu thi công ga ngầm đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đòi bồi thường 114,7 triệu USD, nếu không sẽ tiến hành thủ tục khiếu nại lên trọng tài quốc tế.
Tại báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ nêu một số vướng mắc tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, trong đó có việc nhà thầu đòi bồi thường.
Theo đó, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm nên nhà thầu HGU (liên danh Huyndai và Ghella) đã gửi 3 khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí là 114,7 triệu USD và đề nghị chấp thuận thanh toán, nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc và sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên Trọng tài quốc tế.
Nhà thầu đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6/2021 và đã có văn bản ngày 26/6/2021 thông báo tạm dừng công việc. Nhà thầu đã yêu cầu thành lập Ban giải quyết tranh chấp, Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị cũng đã cử thành viên đại diện cho chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của hợp đồng.
Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội), cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại do chậm GPMB, chậm trễ bàn giao mặt bằng thi công.
Từ năm 2018, nhà thầu đòi bồi thường khoảng 90 triệu USD do chậm GPMB, sau đó mặt bằng tiếp tục bị chậm nên họ tiếp tục đòi bồi thường lên đến con số trên. Đây là con số đơn phương nhà thầu đưa ra, còn giá trị thiệt hại thực tế cần phải được chứng minh trên thực tế.
Hiện UBND TP Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để giải quyết khiếu nại và tháo gỡ vướng mắc về khiếu nại, đòi bồi thường 114,7 triệu USD của nhà thầu gói ga ngầm và tuyến hầm.
Bên cạnh đó, TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất chính sách theo yêu cầu của nhà tài trợ và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc nêu trên để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong quý IV/2021.
MRB đã cử thành viên đại diện cho chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của hợp đồng. Trường hợp hòa giải không thành thì sẽ phải giải quyết tại tòa Trọng tài quốc tế.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm (Kim Mã-ga Hà Nội, với 4 ga gầm), được khởi công năm 2009. Sau nhiều lần lùi tiến độ, dự án được điều chỉnh mốc hoàn thành vào cuối năm 2022, trong đó, dự kiến khai thác, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022.
Dự án có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị (5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu thiết bị) và 1 gói Tư vấn chung.
Đến nay, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị (trong đó gói thầu CP01 và CP04 đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công).
Tiến độ chung dự án đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao theo kế hoạch và dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.
Dự án Nhổn-ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng 130 triệu Euro. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu Euro. Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng khoảng 10.400 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại TP Hà Nội và TP.HCM đang triển khai 6 dự án đường sắt đô thị. Cả 6 dự án này đều chậm tiến độ.
Các dự án này bao gồm: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi), giai đoạn I; dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông; dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo.
Bên cạnh đó còn có dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành-Suối Tiên; dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM tuyến Bến Thành-Tham Lương.
Ngoài dự án Yên Viên-Ngọc Hồi hiện chưa rõ phương án đầu tư, còn lại cả 5 dự án đều đang đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.