Bạch Đằng Complex đề xuất hồi sinh tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt
Bạch Đằng Complex đã có báo cáo ý tưởng đề xuất hồi sinh tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt với tổng kinh phí dự kiến hơn 27.780 tỷ đồng.
Theo Cổng thông tin tỉnh Ninh Thuận, mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 83,5 km, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 49 km, với số lượng 17 ga và trạm khách (12 ga cũ, bổ sung mở mới 2 ga và 3 trạm; có 7 ga thuộc địa bàn Ninh Thuận).
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 83,5 km, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 49 km, với số lượng 17 ga và trạm khách (12 ga cũ, bổ sung mở mới 2 ga và 3 trạm; có 7 ga thuộc địa bàn Ninh Thuận).
Bên cạnh đó, trên tuyến có 64 cầu, 5 hầm và 16 km lắp đặt đường ray răng cưa. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 27.780 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư.
Dự kiến tiến độ giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ nay đến năm 2024; triển khai thực hiện đầu tư 2024 – 2029 và hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác thương mại từ năm 2030.
Trước đó, năm 2013, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Quyết định 1346 phê duyệt Quy hoạch khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quy hoạch mà Chính phủ phê duyệt hiện tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tổ chức chiều 14-7, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh khi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được hiện thực hóa sẽ “tạo ra con đường di sản”, tạo ra một giá trị rất độc đáo không chỉ cho Ninh Thuận, Lâm Đồng, khu vực Nam Trung Bộ mà còn với cả nước. “Công trình này đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ cả trăm năm nay… Thế giới chỉ có 2 đường sắt răng cưa và tuyến từ Ninh Thuận lên Đà Lạt là tuyến đường thứ 2 của thế giới” – ông Nam cho biết.
Về phía Chủ đầu tư là Bạch Đằng Complex. Được biết, Bạch Đằng Complex trước đây là Công ty TNHH Thương Mại – Dịch Vụ Khách Sạn Bạch Đằng thành lập từ tháng 10/2012 với vốn điều lệ 248 tỷ đồng.
Tại thời điểm 25/1/2022, vốn điều lệ của Bạch Đằng Complex là 450 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Thân Hà Nhất Thống, trụ sở doanh nghiệp hiện nay nằm tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Bạch Đằng Complex chuyên hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ khách sạn, căn hộ, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, nhà hàng và các dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế. Hiện nay, doanh nghiệp này được biết đến là chủ sở hữu của Khu Phức hợp Khách sạn Bạch Đằng – Bạch Đằng Complex tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Dự án này gồm hai tòa tháp là Khu khách sạn 5 sao 29 tầng, 223 phòng, mang tên Hilton Da Nang (HTH). Tòa tháp còn lại là Khu phức hợp gồm văn phòng, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, giải trí với 25 tầng mang tên Heritage Treasure Da Nang (HTD).
Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt được xây dựng năm 1908, hoàn thành sau đó 24 năm. Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui và 2 đoạn răng cưa dài gần 14 km để vượt đèo.
Tuyến này dừng hoạt động từ năm 1968 và hiện chỉ còn 7 km đoạn Trại Mát – Đà Lạt dùng để khai thác du lịch.