Bất động sản 2021: Pháp lý vẫn sẽ là “điểm nghẽn” của thị trường địa ốc?
Sáng nay, 5/1 đã diễn ra tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới”. Ở đó, vấn đề thể chế pháp luật trở thành điểm nóng bàn luận ở phần giữa phiên tọa đàm.
Công tác pháp lý BĐS có nhiều chuyển biến trong năm 2020
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, “Lĩnh vực bất động sản giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác. Thị trường bất động sản đã suy giảm 5 năm qua, và Covid-19 giúp thanh lọc lại cả toàn cầu chứ không chỉ riêng bất động sản, giúp cả thị trường tĩnh tâm, nhìn nhận, đánh giá lại để tìm hướng đi bền vững”
Cụ thể, theo ông Châu, những văn bản ban hành trước đây không theo kịp sự chuyển biến của thị trường và năm 2020 đã đánh dấu sự chuyển biến trong công tác pháp lý bất động sản.
Chủ tịch HoREA cũng cho biết thị trường có sự lệch pha tại TP Hồ Chí Minh phân khúc cao cấp chiếm tới 70%, trong khi phân khúc bình dân, vừa túi tiền lại ít. Đáng ra phân khúc bình dân, giá rẻ phải chiếm tỷ trọng lớn hơn vì nhu cầu thực lớn hơn.
Ông Lê Hoàng Châu phát biểu tại tọa đàm diễn ra sáng ngày 5/1/2021
“Có chuyên gia nhận định 2021 là năm của phân khúc cao cấp, điều này đúng nhưng chưa đủ. Vì lượng cung phân khúc cao cấp đang lớn nên năm 2021 lượng sản phẩm tung ra thị trường vẫn lớn. Sở dĩ nhiều chủ đầu tư tập trung phát triển phân khúc cao cấp vì phân khúc này giúp làm thương hiệu rất nhanh. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cần tăng phân khúc bình dân để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, điểm nghẽn về thể chế đang là điểm nghẽn hàng đầu, và HOREA xem đó là vướng mắc cần tháo gỡ đầu tiên để minh bạch thị tường bất động sản. Môi trường minh bạch phải dựa trên thể chế pháp luật. Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách một số luật và nghị định. Tháng 6/2020 một số luật như Luật đầu tư, Luật xây dựng sửa đổi kết hợp Luật nhà ở… đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn.
“Năm 2021 có điểm hội tụ là Luật đầu tư, Luật xây dựng sửa đổi… có hiệu lực. Đây là một trong những điều tạo thuận lợi cho thị trường. HOREA sẽ tiếp tục đóng góp để sửa đổi Nghị định 167, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đầu tư BT. Chúng tôi nhận định, đi đôi với việc kiểm soát hiệu quả Covid-19, có vắc xin, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng. Năm 2021, Bộ Xây dựng sửa đổi Luật xây dựng, thông qua nghị quyết về nhà ở giá thấp, tạo cơ chế để doanh nghiệp tham gia phân khúc này. Năm 2021, nếu tháo gỡ được những điểm này thì thị trường có thể hồi phục mạnh mẽ”, ông Châu nói.
Pháp lý BĐS hiện nay chỉ mang tính định tính mà chưa định lượng
Đó là quan điểm cá nhân của GS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường phát biểu tại tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới” diễn ra sáng nay.
Theo ông Võ, Thị trường bất động sản Việt Nam bị tác động bởi thể chế trước cả khi Covid-19 tới. Ngoài ra Nghị định 148 vẫn chưa lấp đầy khoảng trống về pháp lý bất động sản bởi chưa bao phủ hết những vấn đề của luật nhà ở, luật đất đai. Sự chồng chéo, lệch pha giữa những quy định khiến doanh nghiệp lưỡng lự.
GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường.
Đồng thời muốn có động lực mới từ 2021 trở đi, câu chuyện sửa luật để bù lấp khoảng trống cần mạnh tay hơi. Ông Hùng Võ kỳ vọng cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng có tiếng nói chung. “Một luật duy nhất có thể sửa đổi và bao quát hết tất cả các vấn đề của bất động sản”, ông Võ nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông, ở Việt Nam, bất động sản vẫn có sức sống tốt. Năm 2021 cơ hội còn nhiều cho các doanh nghiệp. Câu hỏi ở đây là phải làm gì với những thách thức, rủi ro. Bất động sản tăng giá vào cuối năm 2020 là do lệch giá cung cầu, nhưng theo ông Võ pháp luật là một yếu tố quan trọng, tác động làm thay đổi cung cầu. Hạn chế cấp phép cho các dự án cùng với các chủ đầu tư gom hàng làm giá nhà tăng.
“Nếu đầu cơ không tốt, sẽ làm giá bất động sản sốt lên rất cao. Vì đa phần mọi người cứ nghĩ cứ đầu tư vào sẽ làm bất động sản đi lên”, ông Võ nhấn mạnh.