Bất động sản 2024: Sớm ổn định và tạo ra môi trường mới thuận lợi hơn
Nhận định về sự phục hồi của thị trường BĐS ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng nhận định: "thị trường bất động sản năm 2024 sẽ sớm ổn định và tạo ra môi trường thuận lợi mới cho nhà đầu tư".
Trao đổi về việc các bộ luật liên quan đến bất động sản vừa được Quốc hội thông qua, ông Hải cho rằng, Luật Luật Đất đai 2024 cùng với Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 (cùng có hiệu lực từ 01/1/2025) là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai, xây dựng và BĐS Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn.
Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 trước tiên đã thống nhất các quy định, phạm vi áp dụng giữa các Luật liên quan đối với nhiều vấn đề quan trọng như: quyền sở hữu nhà gắn với quyền sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024; thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở giữa chủ đầu tư và người mua sẽ theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023; điều kiện đối với chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được thống nhất với Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023…
Đáng chú ý là các quy định rõ nét hơn về quy hoạch, chiến lược phát triển nhà ở, về sở hữu, mua bán và thế chấp nhà ở của các tổ chức và cá nhân nước ngoài, cho phép cấp giấy chứng nhận sở hữu nếu chung cư mini đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật; quy định rõ nét về phát triển nhà ở xã hội , nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở lực lượng vũ trang; quy định chi tiết về quản lý Nhà nước về nhà ở.
Với Luật kinh doanh bất động sản 2023, đã quy định rõ hơn về các loại hình BĐS, dự án BĐS đưa vào kinh doanh; về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS; về chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai; về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS. Hợp đồng trong kinh doanh BĐS; Sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản hay chính sách xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở cũng được quy định chặt chẽ, minh bạch hơn. Những chuyển biến trên chắc chắn sẽ tạo ra môi trường thuận lợi mới cho nhà đầu tư.
Ông Hải nhấn mạnh, trong thời gian tới,cần tiếp tục tháo gỡ trong tổ chức thực hiện các dự án BĐS tại các địa phương đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất... Theo đó, hoạt động Tổ Công tác của Chính phủ sẽ mạnh mẽ hơn, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần giúp thị trường BĐS vượt qua thách thức, để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, và tạo ra môi trường đầu tư ổn định, thuận lợi hơn.
Trong quý I/2024, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, trong quý I, có 10 dự án hoàn thành với quy mô khoảng 4.706 căn, số lượng dự án bằng 34,48 % so với quý IV/2023 và bằng 71,43% so với cùng kỳ năm 2023.
Có 19 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 9.774 căn, số lượng dự án được cấp phép mới bằng 95% so với quý IV/2023 và bằng 111,76% so với cùng kỳ năm 2023. Có 38 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với quy mô khoảng 5.527 căn, số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai bằng 80,85% với quý IV/2023 và bằng 73,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, hiện đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình này với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 08 dự án nhà ở xã hội tại 07 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Về hàng tồn kho, quý I/2024 có khoảng 23.029 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư 3.706 căn; nhà ở riêng lẻ 8.468 căn; đất nền 10.855 nền. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.