Bất động sản 24h: Cò đất đổ xô về đây, nơi này lên cơn “sốt đất“ bất thường

Cò đất đổ xô về đây, nơi này lên cơn sốt đất bất thường; Bất chấp dịch Covid-19, nhu cầu tìm kiếm mua nhà vẫn cao... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Cò đất đổ xô về đây, nơi này lên cơn "sốt đất" bất thường

Những ngày gần đây, thị trường bất động sản lại "một phen" xôn xao khi bất động sản khu vực lân cận sân bay Téc-Níc, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước giá đất liên tục nhảy múa. Trong đó, nhà đầu tư (NĐT) cùng cò đất từ khắp nơi đổ về khiến mặt bằng giá tăng bất thường, tới mức nhiều người ví người đi mua bất động sản như đi mua kẹo kéo.

Ảnh minh hoạ  
Ảnh minh hoạ  
Theo lý giải của giới cò đất, mới đây có thông tin về đề xuất xây dựng sân bay tại Hớn Quản, ngay lập tức hàng trăm "cò đất", giới đầu cơ ùn ùn kéo về đây để thổi giá, lướt sóng tạo cơn sốt đất chưa từng có tại thị trường này.

Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại hiện tượng bất thường này cũng giống với cơn sốt đất Bình Ba ở Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây 1 năm về trước. Cơn sốt đất chỉ kéo dài chừng vài ngày rồi "xì hơi", chìm trong quên lãng khiến nhiều người mua đất sau cùng phải nếm "trái đắng".

Nay, ở Hớn Quản cũng diễn ra tương tự khi khu vực này thường bán đất trồng cây cao su theo ha, nhưng nay giới đầu cơ phân thành các lô đất nông nghiệp khoảng 1.000m2 bán với giá khoảng 700 triệu đến 900 triệu đồng/lô. Trong một vài ngày, một mảnh đất có thể đổi chủ 3 đến 4 lần, giá chênh lệch vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Hàng trăm xe ô tô biển số các tỉnh Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… nối đuôi nhau, đi lại tấp nập khắp các tuyến đường. Cùng với đó là đội "cò đất" đi xe máy tụm lại thành từng nhóm bên đường, treo biển bán đất hoặc chạy dọc trên đường, hễ có xe dừng lại là tiếp cận chào bán và dẫn khách đi xem đất ngay lập tức. Cảnh môi giới chào mời, dẫn khách, cọc đất diễn ra tấp nập từ sáng đến đêm tại khu vực này.

Công viên, hồ điều hòa Hà Nội "chết lâm sàng" khi cám dỗ lợi ích vẫn còn? 

Trong bối cảnh môi trường sống ở đô thị ngày càng ngột ngạt bởi những rừng bê tông cao tầng, “cơn khát” về không gian xanh trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, có một nghịch lý là hàng trăm héc-ta đất tại Hà Nội đã được quy hoạch làm công viên, hồ nước lại đang bị bỏ hoang, đắp chiếu hoặc sử dụng sai mục đích cả chục năm qua, chưa rõ ngày về đích.

Vậy đến bao giờ Hà Nội mới có thể hiện thực hóa được công viên, hồ điều hòa từ bản vẽ? Điều gì đang "ngáng chân" Hà Nội trên hành trình đến một Thủ đô xanh, thông minh và nhân văn?

Để làm rõ hơn vấn đề, Cà phê cuối tuần đã có cuộc đối thoại với GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường. 

Bất chấp dịch Covid-19, nhu cầu tìm kiếm mua nhà vẫn cao

Theo báo cáo tháng 1/2021 của Batdongsan.com.vn, thị trường thời điểm trước Tết âm lịch vẫn diễn biến khá ổn định. Dù lượng tin đăng giảm do yếu tố thời điểm nhưng lượng quan tâm bất động sản bán và cho thuê vẫn tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều này cho thấy, tâm lý thị trường đang khá tốt, đợt bùng dịch thời điểm giáp Tết không gây tác động quá lớn đến nhu cầu tìm kiếm và giao dịch của người dân. Giá rao bán căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM cũng tăng khoảng 3,4 - 3,5% so với tháng 1/2020.

Đa số giới phân tích cùng đưa ra nhận định, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng ngay từ đầu năm song thị trường vẫn có nhiều tín hiệu khả quan, được minh chứng thông qua các báo cáo của các công ty nghiên cứu và Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Các đơn vị này đều cho rằng, bất động sản nhà ở chịu tác động không đáng kể và thị trường dù trầm lắng, nhưng giá bán không có sự sụt giảm nào so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Báo cáo mới đây nhất của Savills Việt Nam chỉ ra rằng, xét về tổng thể, thị trường bất động sản Việt Nam tuy chịu tác động của dịch bệnh nhưng chỉ có một số ngành nghề và phân khúc như bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nhất định do phụ thuộc vào nguồn khách du lịch nước ngoài.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Không để chậm thủ tục ảnh hưởng doanh nghiệp nữa

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản vào sáng nay (27/2).

Bất động sản 24h: Cò đất đổ xô về đây, nơi này lên cơn “sốt đất“ bất thường - Ảnh 1
Vụ 110 căn biệt thự của Hưng Lộc Phát là điển hình mà ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tháo gỡ

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành  đề xuất, để khơi thông sự bế tắc của thị trường bất động sản, chỉ cần làm nhanh thủ tục pháp lý cho dự án, thúc đẩy nguồn cung; cân đối lệch pha cung cầu như hiện nay.  

Ông Nghĩa dẫn chứng, cách đây 1 năm cũng tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp bất động sản, ông có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch  cục bộ cho dự án Lê Thành Tân Kiên, sau đó được Sở Xây dựng, Sở QH-KT hỗ trợ rất nhiều nhưng đến nay TP vẫn chưa ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch. Đến nay dự án đã triển khai 3 năm nhưng vẫn chưa xong thủ tục. 

Do đó, mốc thời gian giải quyết hồ sơ một dự án nhà ở từ trên 3 năm kéo xuống còn 215 ngày như Sở Xây dựng đề nghị UBND TP xem xét liệu có khả thi. 

“Vấn đề là liên thông giữa các sở, ngành, giữa các phòng chuyên môn với UBND quận huyện… Mỗi văn bản trao đổi, kết luật mất vài ba tháng”, ông Nghĩa bức xúc.

3 lĩnh vực thu hút nhà đầu tư bất động sản quốc tế trong năm 2021
Theo dữ liệu ghi nhận trong một nghiên cứu cập nhật đến tháng 11/2020 của Savills, các chuyên gia đầu tư bất động sản quốc tế chỉ ra rằng, mặc dù lượng đầu tư toàn cầu vào bất động sản trong năm 2020 đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng không phải tất cả các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng bất lợi. Lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở giảm nhẹ về lượng, nhưng chiếm thị phần ấn tượng lần lượt là 21% và 28% trong tổng các nguồn đầu tư. Trong khi đó, thị trường văn phòng đứng vững với thị phần 33%.

Ông Rasheed Hassan, Giám đốc Bộ phận Đầu tư xuyên biên giới tại Savills nhận định: “Các dự báo đầu tư của chúng tôi cho thấy rằng, bất chấp những tác động bất lợi từ Covid-19 đối với bất động sản, vẫn còn lượng đầu tư lớn đang chờ đợi để nhắm vào các thị trường mục tiêu ngay khi tình hình chung trở nên lạc quan hơn. Lĩnh vực hậu cần, bất động sản công nghiệp tiếp tục là lựa chọn hàng đầu trong 12 tháng tiếp theo. Lĩnh vực thị trường văn phòng được dự đoán quay lại hoạt động tích cực ngay khi các chương trình liên quan tới vắc-xin được triển khai rộng rãi trên thế giới”.

Trước những thách thức đặt ra trong năm 2020, tầm quan trọng của các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị đối với các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khi nhiều Chính phủ đưa ra tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu” và cam kết không phát thải khí nhà kính hoàn toàn.

Nguyên Hà

Theo Reatimes