Đất nền những khu vực nào đang “gãy sóng” sau thời gian tăng nóng?
Sau những đợt “sóng lớn” đầu năm, thị trường đất nền phía Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh. Sự trầm lắng xuất hiện rõ rệt kể từ tháng 4/2025, thay thế cho những giao dịch sôi nổi trước đó.
Đất nền Dĩ An (TP.HCM) im ắng
Từng là điểm nóng của thị trường bất động sản phía Nam, khu vực Dĩ An (Bình Dương, nay là TP.HCM) đang ghi nhận sự hạ nhiệt rõ rệt kể từ giữa tháng 4/2025. Trước đó, nhờ thông tin sáp nhập vào TP.HCM, đất nền tại đây trải qua đợt tăng giá mạnh từ tháng 1 đến tháng 3/2025.
Tuy nhiên, dù đã chính thức sáp nhập, hoạt động giao dịch bất động sản tại Dĩ An vẫn trầm lắng. Theo phản ánh của các môi giới, lượng giao dịch giảm rõ rệt so với cao điểm tháng 2 và 3. Giá đất nền hiện đã tăng khoảng 15% so với cuối năm 2024, đặc biệt là các lô có sổ đỏ sẵn.
Nguồn cung mới khan hiếm, trong khi kỳ vọng vào hạ tầng và việc sắp xếp hành chính đang hoàn thiện khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ, không bán ra. Một số nhà đầu tư lướt sóng đã “xuống tiền” toàn bộ do không thoát được hàng, chờ cơ hội phục hồi sau sáp nhập.
Nhơn Trạch nguội dần
Từ đầu năm 2025, thị trường Nhơn Trạch thu hút lượng lớn nhà đầu tư từ TP.HCM và phía Bắc đổ về với kỳ vọng vào đợt sóng mới. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó gặp khó khăn khi lướt sóng không thành.
Dù vậy, mặt bằng giá đất tại Nhơn Trạch không giảm, thậm chí có nơi tăng gần 30% so với cuối năm 2024. Thị trường trầm lắng nhưng vẫn ghi nhận các giao dịch rải rác, chủ yếu từ nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đang tranh thủ gom đất, đón đầu làn sóng đầu tư hạ tầng.
Quận 9 và Cần Giờ: “Nóng nhanh, hạ nhanh”
Quận 9 và Cần Giờ (TP.HCM) là hai khu vực cũng từng chứng kiến đợt sốt đất đầu năm 2025, nhưng hiện đã lặng sóng. Giao dịch sôi động trở lại trong tháng 2-4 khi có thông tin về hạ tầng và các dự án lớn.
Tại quận 9, hiện tượng chủ đất ngưng bán để đẩy giá diễn ra khá phổ biến trong đợt cao điểm. Giá đất tăng từ 10-15% chỉ trong vài tháng. Nhiều nhà đầu tư đã kịp chốt lời trong giai đoạn này.
Cần Giờ cũng trải qua cơn sốt ngắn hạn khi dự án lấn biển quy mô hơn 2.800 ha được khởi động. Giá đất dân cư quanh dự án tăng nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư đổ về.
Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động mua bán tại hai khu vực này đã giảm tốc. Giao dịch chủ yếu đến từ người mua có nhu cầu thực. Các nhà đầu tư tiếp tục giữ đất, kỳ vọng vào làn sóng hạ tầng đang dần hiện hữu.

Thị trường “gãy sóng” nhưng chưa hết kỳ vọng
Dù thị trường đất nền tại nhiều khu vực phía Nam đang trong trạng thái trầm lắng, các chuyên gia vẫn đánh giá phân khúc này còn tiềm năng tăng trưởng, nhất là khi hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nền kinh tế và thị trường địa ốc đang đứng trước cơ hội lớn. Chính phủ đang tích cực triển khai các kế hoạch phát triển hạ tầng và mở rộng không gian đô thị, tạo lực đẩy đáng kể cho thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo trước thực trạng giá đất bị đẩy lên quá cao tại một số địa phương. Tình trạng “giá ảo” có thể làm giảm sức hấp dẫn đầu tư, khiến người có nhu cầu thực khó tiếp cận. Ngoài ra, việc quy hoạch và phát triển dự án chưa đồng bộ cũng là yếu tố gây lãng phí nguồn lực.