Bất động sản 24h: Nghe tin 'đại bàng' đến, giá đất lập tức đua nhau tăng mạnh

Nghe tin 'đại bàng' đến, giá đất lập tức đua nhau tăng mạnh; Bất động sản vùng ven sẽ toả sáng trong năm 2021... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Nghe tin 'đại bàng' đến, giá đất lập tức đua nhau tăng mạnh

Theo Reuters, vào cuối tháng 11/2020, Foxconn - nhà gia công lớn của thế giới và chuyên sản xuất cho Apple, công bố sẽ chuyển một phần dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam. Dự kiến, Foxconn bắt đầu sản xuất iPad và MacBook trong nửa đầu năm 2021.

Luxshare - một trong những đối tác lớn của Apple, có nhà máy lắp ráp AirPods của Apple tại Việt Nam, cũng mở rộng đầu tư nhà máy rộng hơn 30 ha tại Bắc Giang trong năm nay.

Trước đó, có thông tin Tập đoàn Pegatron của Đài Loan làm thủ tục xin phép hai dự án đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Pegatron sẽ sản xuất thiết bị điện tử gồm điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch để cung cấp cho các tập đoàn điện tử lớn đang đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu.

Quý 1/2020, Samsung Việt Nam cũng công bố dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) với quy mô vốn 220 triệu USD.

Nikkei Asia nhận định, Việt Nam đang đón nhận những cơ hội rất lớn từ làn sóng chuyển dịch của các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó phải kể đến tập đoàn điện tử khổng lồ LG của Hàn Quốc và nhà sản xuất băng dính Đức Tesa.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đọc “gu” thâu tóm quỹ đất của doanh nghiệp địa ốc

Trong kinh doanh bất động sản, việc tạo lập tài sản, quỹ đất là chiến lược vô cùng quan trọng và mỗi doanh nghiệp bất động sản lại có “gu” riêng.

Bất động sản 24h: Nghe tin 'đại bàng' đến, giá đất lập tức đua nhau tăng mạnh - Ảnh 1

“Sau khoảng 20 năm hình thành thị trường chuyên nghiệp, bất động sản Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội chia đều cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”. Đây là nhận định của ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Prime Investment khi nói về câu chuyện tạo lập tài sản, quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản, đồng thời cho rằng, hiện tại, cuộc chơi đang nghiêng về các doanh nghiệp nội địa có tiềm lực về vốn, về nhân sự phát triển dự án và bán hàng... Còn trong dài hạn, xu hướng tạo lập quỹ đất của 2 khối sẽ định hình thị trường M&A (mua bán, sáp nhập) bất động sản ở Việt Nam.

Theo ông Linh, mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến thuật tạo quỹ đất khác nhau. Có doanh nghiệp thích tạo lập quỹ đất qua các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), có doanh nghiệp thông qua hoạt động M&A, có doanh nghiệp chỉ xin làm dự án quy mô nhỏ và vừa, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ làm dự án quy mô lớn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản vùng ven sẽ toả sáng trong năm 2021

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát từ cuối năm 2020, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới để sinh tồn, phát triển quỹ đất dự án, từ đó giới đầu cơ bất động sản cũng theo chân họ đến các thị trường này. Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng thị trường bất động sản vùng ven và các tỉnh lân cận Hà Nội, TP.HCM sẽ “soán ngôi”, trở thành điểm thu hút đầu tư trong năm 2021.

Ông Trần Như Trung, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển và Tăng trưởng Xanh-Edge cho biết, Covid-19 đã tác động tái định hình thị trường bất động sản. Một xu hướng đáng chú ý trên thị trường là sự sụt giảm mối quan tâm đầu tư tại các thị trường truyền thống và làn sóng chuyển dịch về các thị trường ven đô.

Bằng việc phân tích số liệu phản ánh hành vi nhà đầu tư cá nhân, ông Trung thu được những kết quả đáng chú ý. Trên cơ sở xử lý 29,5 triệu dữ liệu Hà Nội, 34,8 triệu dữ liệu TP.HCM và 404.000 dữ liệu Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc, ông Trung nhận ra sự sụt giảm mạnh mẽ ở các thị trường đầu tư truyền thống. Ở một số thời điểm nhất định, mức độ sụt giảm của các thị trường này xấp xỉ 60 - 70%.

Bất động sản 24h: Nghe tin 'đại bàng' đến, giá đất lập tức đua nhau tăng mạnh - Ảnh 2


Ông Trung cũng nhận ra một thực tế thú vị đang diễn ra trên thị trường về mối tương quan giữa thay đổi vị trí bất động sản và mối quan tâm đầu tư. Phân tích và khái quát 29,5 triệu dữ liệu thị trường Hà Nội cho thấy khoảng cách từ vị trí quận, huyện được quan tâm đầu tư đến quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) càng xa thì mối quan tâm đầu tư càng lớn. Điều này có nghĩa trên thị trường mua bán, càng xa trung tâm càng có nhiều người mua quan tâm so với trước đại dịch Covid-19, càng gần trung tâm thành phố thì càng suy giảm. Mối quan tâm của người đầu tư đang hướng đến các thị trường ven Hà Nội. Bất động sản vùng ven đang chiếm ưu thế trong các kênh đầu tư.

Xem thông tin chi tiết tại đây

BĐS nhà ở 2021: Vẫn lo ngại lệch pha cung cầu

Thị trường bất động sản trong 2020 được một số cơ quan đánh giá chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thị trường đang có dấu hiệu lệch pha cung - cầu ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở phân khúc nhà ở.

Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhu cầu về phân khúc nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) dù chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng lại thiếu nguồn cung khá lớn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như TP.HCM và Hà Nội, sự lệch pha cung - cầu ngày càng nghiêm trọng.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay căn hộ trung cấp có giá khoảng 2,5 tỷ đồng cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, tình trạng phát triển dự án bất động sản tại Hà Nội trong khoảng thời gian 2- 3 năm trở lại là rất ì ạch. Gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này. Các dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước từ từ nhỏ giọt cung cấp sản phẩm  cho thị trường bất động sản TP. Hà Nội. Trung bình nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 2 ngàn sản phẩm/quý. Đây là con số quá nhỏ nhoi cho một Thành phố có gần mười triệu dân.

Trong lượng cung mới từ các dự án bất động sản tại Hà Nội, rất hiếm dòng sản phầm thuộc phân khúc bình dân. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao đạt khoảng 70%. Điển hình như Dự án Eurowindow River Park tại Đông Anh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khơi thông sông Cổ Cò: Dòng sông cổ tích hay dòng sông lợi ích?

Kể từ năm 2003, lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã cùng thống nhất chủ trương phối hợp khảo sát lập dự án khơi thông sông Cổ Cò với sự tham gia của các nhà khoa học thủy lợi, quy hoạch, kiến trúc... nhằm kết nối Đà Nẵng và Hội An. Định hướng cải tạo dòng sông Cổ Cò đã được vạch ra rõ nét từ gần 2 thập kỷ trước, bởi những giá trị to lớn mà dòng sông “cổ tích” sẽ mang lại trong tương lai. Như ông Phùng Phú Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng chia sẻ thì là: “Khi sông Cổ Cò được khơi thông, mọi người dân Quảng Nam, Đà Nẵng và du khách sẽ được sống lại với ký ức về dòng Lộ Cảnh giang thơ mộng và đầy sức sống khi xưa. Con sông sẽ kết lại một dải danh lam thắng cảnh từ Cửa Đại đến vịnh Thuận Phước như một dải lụa chan chứa sắc màu. Đó cũng chính là biểu tượng cho sự hợp tác phát triển của hai địa phương, biểu tượng: Kết nối một dòng sông”.

Đến nay, trong tổng chiều dài 28km, đoạn sông Cổ Cò trên địa phận Đà Nẵng cơ bản đã được nạo vét khơi dòng chảy, phần còn lại là việc xây dựng các cây cầu qua sông. Xuôi dòng Cổ Cò trên đất Quảng Nam với chiều dài 21km, đoạn từ Cửa Đại vào đến đập ba-ra Hà My cơ bản đã khơi thông, còn từ phía thượng lưu đập ngược lên sông Hà Sấu, qua chợ Cầu cũ, nhiều đoạn sông vẫn ngập đầy lục bình, nước đọng vũng tù cùng với hàng chục ha đồng ruộng hoang hóa, những đầm lầy ô nhiễm.

Nói về dự án khơi thông dòng sông, lãnh đạo 2 địa phương đã bày tỏ và chia sẻ nhiều lần về ước muốn của chính người dân nơi đây cũng như nỗi đau đáu về dự án cải tạo sông Cổ Cò đã bỏ ngỏ nhiều năm qua. Lợi ích của việc khơi thông dòng sông Cổ Cò được nhấn mạnh lại với giá trị đóng góp cho 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Linh (tổng hợp)

Theo Reatimes