Bất động sản 24h: Quả bóng bất động sản đang bị nén chặt, sẵn sàng bật dậy vào cuối năm

Quả bóng bất động sản đang bị nén chặt, sẵn sàng bật dậy vào cuối năm; nguồn cung thấp, giá bán căn hộ tiếp tục lập đỉnh mới... là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất 24h qua.

Quả bóng bất động sản đang bị nén chặt, sẵn sàng bật dậy vào cuối năm

Theo ông Quốc Anh, quan sát diễn biến thị trường suốt 1 năm qua cho thấy sức mua bất động sản tăng nhanh và mạnh, lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường ngày càng nhiều. Bất động sản như quả bóng được nén chặt, dù bị nén xuống cũng sẽ luôn bật mạnh trở lại.

Bất động sản 24h: Quả bóng bất động sản đang bị nén chặt, sẵn sàng bật dậy vào cuối năm - Ảnh 1

"Minh chứng rõ nhất là trong 3 đợt dịch vừa qua ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sức mua thị trường tăng chóng mặt, nhu cầu tìm kiếm nhà đất, nhất là đất thổ cư và đất nền tăng cao chưa từng có", ông Quốc Anh nhận định.

Ông Quốc Anh cho biết nhìn vào đồ thị mô phỏng diễn biến sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường bất động sản có thể thấy nếu dịch Covid-19 là một đường thẳng thì sự quan tâm của nhà đầu tư luôn bám sát đường thẳng này dù có những lần trồi sụt mạnh mẽ.

Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2021, sức mua bất động sản trên cả nước đã tăng 37% so với cùng kỳ 2020, thậm chí lượng quan tâm tìm kiếm còn cao vượt giai đoạn thị trường đạt đỉnh năm 2018 - 2019 khi ghi nhận mức tăng đến 378%.

5 yếu tố buộc doanh nghiệp bất động sản gia tăng chuyển đổi số

Bất động sản là lĩnh vực hiện có những bước chuyển đổi số khá chậm so với các lĩnh vực khác, do phần lớn các thông tin thị trường không được công bố rộng rãi và lưu trữ theo quy trình khiến cho việc chuyển đổi khá khó khăn.

Rào cản cho việc chuyển đổi số mà các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt hiện nay chủ yếu là ở độ chính xác và sự rõ ràng của dữ liệu và thông tin. Trong xu hướng của thế giới và bối cảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong ứng dụng công nghệ vào phát triển đô thị nói riêng và phát triển ngành bất động sản nói chung, chúng ta cần có một quy trình quản lý minh bạch, rõ ràng về lưu trữ thông tin đất đai cũng như các giao dịch bất động sản. Hơn nữa, các thông tin này cần được số hóa và quản lý tập trung ở cấp quốc gia thay vì ở cấp độ từng đơn vị hay công ty kinh doanh bất động sản riêng lẻ.

Nguồn cung thấp, giá bán căn hộ tiếp tục lập đỉnh mới

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn cung thị trường bất động sản TP.HCM giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, giá bán căn hộ tiếp tục lập đỉnh mới.
Đây là nhận định của chuyên gia bất động sản từ Savills Việt Nam trong báo cáo thị trường căn hộ TP.HCM trong quý II/2021.

Trong quý 2/2021, nguồn cung và tổng giao dịch trên thị trường căn hộ tại TP.HCM giảm xuống mức thấp nhất, trong khi giá bán vẫn tiếp tục lập đỉnh mới (Ảnh minh họa)  
Trong quý 2/2021, nguồn cung và tổng giao dịch trên thị trường căn hộ tại TP.HCM giảm xuống mức thấp nhất, trong khi giá bán vẫn tiếp tục lập đỉnh mới (Ảnh minh họa)  
Theo Savills, trong quý II/2021, tổng nguồn cung, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ của thị trường căn hộ ở TP.HCM đều giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, trong 3 tháng của quý II, nguồn cung sơ cấp giảm 25% theo quý và 18% theo năm, xuống mức thấp chỉ còn gần 3.700 căn. Savills cho rằng, nguồn cung giảm là do lượng căn hộ mở bán mới hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp. Hơn nữa, thị trường cũng ghi nhận 10 dự án tạm dừng bán để điều chỉnh giá.

Đáng chú ý, trong quý này, thị trường cũng ghi nhận lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, tổng lượng giao dịch toàn TP.HCM là gần 1.400 căn, giảm 35% theo quý và 36% theo năm trong khi tỷ lệ hấp thụ ở mức 37%, giảm 5% theo quý và 10% theo năm.

Kiến tạo đô thị xanh, đô thị sáng tạo: Cần bắt đầu từ giữ nước

Ngày nay, kiến tạo đô thị xanh đang là mong muốn của nhiều nhà quy hoạch. Họ luôn muốn kiến tạo các không gian đổi mới, kiến tạo các giá trị cộng đồng tạo động lực đưa các thành phố Việt Nam trở thành các đô thị xanh đáng sống.

Đây cũng là giải pháp “cứu sống” các thành phố trong tương lai. Bởi, hiện nay, các đô thị Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng mở rộng không ngừng, thành phố của các công trình giao thông, các phương tiện cá nhân, lãng phí tài nguyên, giảm khả năng phát triển bền vững và mất dần tính bản địa của địa phương. Hậu quả là tạo nên các đô thị kém bền vững, tiêu tốn năng lượng, môi trường sống bị phá vỡ. Vì vậy, phát triển đô thị xanh là xu hướng tất yếu cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và hiệu quả, tránh tình trạng bê tông hóa trong tương lai. Đây cũng là một xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, điểm đến của các thành phố thông minh.

Người thuê mặt bằng tiếp tục "tháo chạy" khỏi trung tâm TP.HCM

Nhiều mặt bằng tại trung tâm TP.HCM bị khách thuê trả lại vì kinh doanh khó khăn. Chủ nhà đồng ý giảm giá nhưng cũng không giữ được khách.

Chị Lê Thị Hà, đại diện một công ty chuyên kinh doanh cà phê, trà, socola tại quận 1, TP.HCM, cho biết doanh nghiệp vừa phải trả lại mặt bằng trên đường Lý Tự Trọng sau thời gian dài "oằn mình" gánh chi phí.

Theo chị Hà, dịch bệnh khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn, trong khi đó mỗi tháng công ty phải trả tiền thuê mặt 80 triệu đồng. Sau 6 tháng "gồng" lỗ, chị quyết định trả mặt bằng.

Linh San (tổng hợp)

Theo Reatimes