Bất động sản 24h: Chuyện gì sẽ xảy ra với đất nền nếu dịch tiếp tục kéo dài?

Chuyện gì sẽ xảy ra với đất nền nếu dịch tiếp tục kéo dài; Vingroup sẽ triển khai nhiều dự án bất động sản công nghiệp lớn... là những tin tức bất động sản đáng chú ý nhất 24h qua.

Chuyện gì sẽ xảy ra với đất nền nếu dịch tiếp tục kéo dài?

Có lẽ đây là phân khúc đang chịu “cú bồi” mạnh nhất khi đồng thời vừa trải qua cơn sốt hạ nhiệt, vừa dịch Covid-19 hoành hành. Phần lớn nhà đầu tư tìm đến đất nền để kỳ vọng lợi nhuận cao, nhưng đây đang là thời điểm “nhạy cảm” để nhà đầu tư quyết định việc xuống tiền, nhất là lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở các địa phương.

Chuyện gì sẽ xảy ra với đất nền nếu dịch tiếp tục kéo dài? (Ảnh: Trí thức trẻ)  
Chuyện gì sẽ xảy ra với đất nền nếu dịch tiếp tục kéo dài? (Ảnh: Trí thức trẻ)  
Nhìn vào báo cáo phân khúc đất nền của DKRA Vietnam trong tháng 5/2021 để thấy, sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã thể hiện rõ nét ở sức cầu lẫn nguồn cung của phân khúc đất nền. Không chỉ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận - vốn là thị trường sôi động của phân khúc này thời gian qua cũng đã chứng kiến những "gam màu" buồn do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Theo đơn vị này, nếu so với thời điểm tháng 4/2021, lượng tiêu thụ đất nền tháng 5 đã giảm hơn 60%. Cả TP.HCM và 4 tỉnh lân cận chỉ có 8 dự án mở bán, trong đó duy nhất có một dự án mới. Nguồn cung thấp hơn gần 30% so với tháng trước đó, đồng thời lượng tiêu thụ cũng sụt giảm mạnh. Bức tranh này hoàn toàn trái ngược với thời điểm tháng 2 và tháng 3 khi mà cơn sốt đất bùng khắp nơi, cho thấy, "cú bồi" sốt đất hạ nhiệt kèm dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào phân khúc đất nền.

Vingroup sẽ triển khai nhiều dự án bất động sản công nghiệp lớn

Tập đoàn Vingroup (VIC) đang chuẩn bị triển khai nhiều dự án bất động sản khu công nghiệp, dự án lớn tại Cần Giờ và tập trung hoàn thiện dự án nhà ở.

Sáng 24/6, Tập đoàn Vingroup (mã VIC) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 với kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Tập đoàn cũng lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,5%. Sau phát hành, Vingroup sẽ tăng vốn điều lệ lên 38.052 tỷ đồng. Về phương án phát hành ESOP, VIC dự kiến tối đa 0,2% vốn điều lệ tập đoàn, thời gian thực hiện không muộn hơn tháng 6/2022.

Riêng với mảng bất động sản, cổ đông Vingroup thông qua chiến lược tập trung phát triển sản phẩm chất lượng. Với nhóm bất động sản nhà ở, Vinhomes tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án đại đô thị, đẩy mạnh phát triển mô hình bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống. Đồng thời, công ty sẽ ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp, hỗ trợ người mua nhà.

Bất động sản phía Tây Hà Nội – mảnh đất “hái ra tiền” nhờ lực hút mới

Không ồn ào, tấp nập, thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội vẫn hiện diện với nhiều lực hút đầy hấp dẫn, được dự đoán là mảnh đất “hái ra tiền” trong tương lai gần.

Thị trường bất động sản phía Tây Thủ đô đang quay lại đường đua đầy sôi động sau thời kỳ dài bị lãng quên (Ảnh IT)   
Thị trường bất động sản phía Tây Thủ đô đang quay lại đường đua đầy sôi động sau thời kỳ dài bị lãng quên (Ảnh IT)   
“Dòng nước chảy đến khúc sông cong bao giờ cũng thúc vào bờ. Ngoài làm lở đất và chảy cuộn lại mang lượng đất đỏ bồi đắp cho phía bên kia sông còn giúp hình thành “bên bồi”, “bên lở”. Cụ thể ở đây, bờ sông Hồng phía Đông chính là bên lở và bờ phía Tây chính là bên bồi”. Đó là nhận định của Viện Trường Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh khi nói về tiềm năng phía Tây Hà Nội.

Đồng quan điểm, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, khi quỹ đất nội đô chật chội thì phía Tây Hà Nội sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư và khách hàng mua để ở. Sự phát triển của bất động sản phía Tây là tất yếu.

Quảng Ninh tháo gỡ khó khăn nhằm giải quyết vốn đầu tư công

Vừa qua tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ trong việc giải phóng mặt bằng nhằm giải quyết khó khăn góp phần đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đặt ra năm 2021.

Được biết, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu phấn đấu đạt giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo tại các địa phương được tăng cường; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng các dự án vì đây là mắt xích  quan trọng góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Các đơn vị nhà thầu xây dựng cần lên kế hoạch, biện pháp thi công các dự án một cách chi tiết, cụ thể và có cam kết thực hiện tiến độ ở từng hạng mục theo từng tuần, từng tháng. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tại địa phương đang trong thời kỳ an toàn, đã 45 ngày vừa qua không có ca mắc Covid -19 mới cho nên các chủ đầu tư cần phải khẩn trương tận dụng cơ hội an toàn dịch bệnh, để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Ông chủ biệt thự triệu USD: Điêu đứng khách ép giá, nơm nớp lo nộp thuế

Hơn một năm, nguồn thu của nhiều chủ nhà mặt phố cạn kiệt vì không có khách thuê. Ngoài ra, họ sẽ phải đóng thuế nếu trên 100 triệu đồng/năm.

Nằm ở ngã tư con phố đông đúc của Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), một ngôi biệt thự hai mặt tiền cửa đóng then cài. Trước đây, ngôi biệt thự nhà được một ngân hàng thuê làm địa điểm giao dịch. Hết hợp đồng, ngân hàng đã trả lại mặt bằng và chuyển sang một địa điểm bên cạnh dù vị trí không đẹp để tiết kiệm chi phí. Còn ngôi biệt thự có giá triệu đô này không có khách thuê hơn 6 tháng nay.

Nếu như trước đây, các căn biệt thự vị trí đắc địa như này đều luôn có khách thuê săn đón, giá mặt bằng cho thuê liên tục tăng, vượt cả giá trị thật. Khách thuê phải "lụy" chủ nhà, nếu không đặt cọc, người đi thuê mất chỗ thuê trong ngày một, ngày hai là chuyện thường xuyên xảy ra.

Chưa kể ở những khu vực đông đúc, vị trí đẹp, giá thuê không chỉ cao mà mức độ điều chỉnh giá của chủ mặt bằng cũng "gay gắt" hơn; đặc biệt là những mặt bằng liên quan đến kinh doanh thời trang, ăn uống, thương mại...

Linh San (tổng hợp)

Theo Reatimes