Bất động sản 24h: Vì sao khó xảy ra hiện tượng bán tháo, bán lỗ BĐS trên diện rộng?
Vì sao khó xảy ra hiện tượng bán tháo, bán lỗ BĐS trên diện rộng?; VNREA kiến nghị xây dựng chiến lược phát triển thị trường bất động sản Việt Nam đến năm 2030... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Vì sao khó xảy ra hiện tượng bán tháo, bán lỗ bất động sản trên diện rộng?
Nhiều chuyên gia nhận định, đến thời điểm hiện tại thị trường bất động sản vẫn chưa xuất hiện làn sóng bán tháo trên diện rộng, mặc dù trước đó có những dự báo giai đoạn cuối năm có thể diễn ra hiện tượng này.
Ngược với dự báo, đến thời điểm hiện tại nhiều yếu tố tích cực của thị trường đang thúc đẩy tâm lý giữ tài sản của NĐT thay vì "vội vàng" bán ra.
Ngược lại, tâm lý của NĐT hiện đang rất tốt khi thị trường xuất hiện các thông tin, hạ tầng quy hoạch tích cực. Đáng chú ý là thông tin thành lập Tp.Thủ Đức là tín hiệu tích cực kích giá bất động sản khu Đông và tâm lý của NĐT. Cụ thể, căn hộ khu Đông có giá chào bán tương đối cao và tăng 15-20% so với đầu năm, nhưng mức độ tiêu thụ của thị trường khá tốt.
Xem thông tin chi tiết tại đây
VNREA kiến nghị xây dựng chiến lược phát triển thị trường bất động sản Việt Nam đến năm 2030
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan kiến nghị về việc xây dựng chiến lược phát triển thị trường bất động sản Việt Nam đến năm 2030.
Việc nghiên cứu sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đến nền kinh tế rất mở của nước ta, từ đó đề ra định hướng, giải pháp tăng cường, phát huy vai trò của thị trường bất động sản là hết sức có ý nghĩa, cần thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và khách hàng đã, đang và sẽ tham gia thị trường bất động sản, nhất là trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cùng với các diễn biến trong môi trường chính trị – xã hội thời gian qua. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện nghiên cứu Đề tài khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” (Đề tài) nhằm đưa ra những dữ liệu khoa học, thực tiễn phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước và sự tham gia thị trường bất động sản của các tổ chức, cá nhân liên quan. Kinh phí thực hiện đề tài được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Ngày 21/5/2020, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã ký Quyết định số 31/QĐ-VNREA về việc giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài, do ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA làm chủ nhiệm Đề tài, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam là cơ quan bảo trợ thông tin và truyền thông. Đề tài có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam như: GS. TSKH. Đặng Hùng Võ; TS. Lê Xuân Nghĩa; TS. Cấn Văn Lực; TS. Bùi Trinh; GS. TS. Hoàng Văn Cường; PGS.TS Trần Đình Thiên; TS. Võ Trí Thành; Ths. Nguyễn Văn Phúc; PGS.TS. Nguyễn Thị Nga; tham gia phản biện độc lập của PGS. TSKH. Võ Đại Lược; TS. Trần Du Lịch; PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến…
Bất động sản phía Đông Thủ đô: Tâm điểm của giới đầu tư
Nhìn vào bản đồ bất động sản nhà ở thương mại trong 3 năm trở lại đây cho thấy, trong khi phía Tây (khu vực Từ Liêm cũ và vùng tiệm cận) đã được dần ken kín bởi đủ loại dự án cũ mới đua nhau mọc lên, thì phía Đông (địa bàn Long Biên, Gia Lâm) lại đang thực sự hấp dẫn đại bộ phận giới đầu tư vì tốc độ phát triển “ăn chắc mặc bền”.
Nói như vậy là bởi, phía Đông thủ đô hiện có đủ điều kiện và tiềm lực bứt phá trong 2021. Trong bối cảnh, khu vực trung tâm thành phố và các khu vực phía Tây đang phát triển bão hoà, nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu sở hữu căn hộ của người dân lại gia tăng rất cao, đích đến của các nhà phát triển dự án chính là phía Đông của sông Hồng. Bởi vậy, nhiều năm gần đây, nguồn cung từ chung cư đến các phân khúc liền thổ (biệt thự, nhà liền kề) tại phía Đông đều tăng trưởng mạnh mẽ.
Có được kết quả này là bởi những thay đổi của hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội đã thổi luồng gió mới vào khu vực. Sự xuất hiện của hàng loạt tuyến đường giao thông huyết mạch, các cây cầu trọng điểm như cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Tuy, đường Ngô Gia Tự, Quốc lộ 5 kéo dài, tuyến đường từ đê sông Hồng đến cầu Thanh Trì, tuyến Cầu Bây - Thạch Bàn… đã rút ngắn khoảng cách giữa khu vực phía Đông và trung tâm thành phố. Không những vậy, việc các đại dự án đô thị xanh và thông minh đang phát triển rầm rộ đã tạo nên sự cộng hưởng lớn về thương mại, xã hội, kích thích giá trị bất động sản khu vực này tăng trưởng mạnh.
Bất động sản Phú Quốc 2021: “Khẩu vị“ của nhà đầu tư sẽ thay đổi ra sao?
Thị trường bất động sản Phú Quốc đã trải qua những năm tháng đầy biến động. Đầu năm 2018, địa phương này được nhắc đến là điểm nóng sốt đất. Đến 11/6/2018, Quốc hội đã quyết định loại khỏi chương trình việc thông qua dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (luật Đặc khu) tại kỳ họp, bất động sản Phú Quốc bắt đầu rơi vào tình trạng đóng băng trong khoảng thời gian dài.
Đến năm 2020, Covid-19 trở thành tác nhân kéo dài sự trầm lắng của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, trong khi đây là dòng sản phẩm chủ lực trên thị trường địa ốc Phú Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, cục diện thị trường sẽ thay đổi và 2021 sẽ là năm thị trường địa ốc gọi tên bất động sản Phú Quốc khi nơi đây chính thức trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thông tin Phú Quốc lên thành phố sẽ như "cơn mưa xuất hiện giữa thị trường hạn hán".
HoREA: 'Không thể ép doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ'
Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng không thể ép doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ mà phải xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư kinh doanh của họ, bởi có những doanh nghiệp lựa chọn chỉ đầu tư vào phần khúc thị trường nhà ở cao cấp mà thôi.
Theo HoREA, trong hơn 10 năm qua, nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn như “bong bóng” bất động sản năm 2007 và năm 2010, thị trường bất động sản bị đóng băng năm 2008-2009 và năm 2011-2013.
Năm 2009, để hỗ trợ nền kinh tế và “phá băng” bất động sản, nhà nước đã có gói kích cầu đầu tư với giá trị khoảng 17.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), đi đôi với thực hiện lộ trình giảm dần chính sách thắt chặt tiền tệ.
Từ thực tiễn của hơn 10 năm qua, HoREA càng nhận thấy vai trò của nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, nhất là trong xử lý khủng hoảng, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh (trong đó có thị trường bất động sản), đảm bảo an sinh xã hội. Đó là bản chất của “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của nhà nước”.