Bất động sản 24h: Xe ùn ùn đổ về Đông Triều trong cơn sốt đất ảo
Xe ùn ùn đổ về Đông Triều trong cơn sốt đất ảo; Công ty Phương Thùy Thủ Đô chưa được giao đất nhưng phân lô bán nền trong KCN?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua,
Xe ùn ùn đổ về Đông Triều trong cơn sốt đất ảo
Tình trạng "sốt đất" đang xảy ra tại một số địa phương của thị xã Đông Triều. Giới đầu cơ đổ xô đến các dự án để tung thông tin giả, làm thị trường và đẩy giá đất lên cao.
Trưa 1/4, quán nước ven đường thuộc phường Mạo Khê, TX Đông Triều tập nập người ra vào. Trải tấm bản đồ trên bàn, ai nấy đều bận rộn với các cuộc gọi để chào bán các lô đất nằm trong các dự án bất động sản ở địa phương.
“A5 - lô 12 giá 1,7 tỷ nhưng có nhà, bỏ mọi người nhé”, “Có nhà càng tốt chứ sao”, “Có nhà cho em chung một nửa, nhập luôn…”, nhóm người môi giới liên tục trao đổi, tung giá cho nhau về các lô đất nằm tại dự án thuộc Khu đô thị Tân Việt Bắc, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).
Họ là nhóm các nhà môi giới đầu tư bất động sản từ nơi khác đến Đông Triều thực hiện giao dịch.
Giải pháp điều tiết giá trị đất đai tăng thêm từ chênh lệch địa tô
Hiện nay, Nhà nước thực hiện quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,… làm cho giá trị đất đai tăng thêm từ địa tô chênh lệch. Tuy nhiên với cơ chế hiện nay, chưa có giải pháp cụ thể trong việc điều tiết giá trị đất đai tăng thêm từ địa tô chênh lệch. Giá trị địa tô chênh lệch là nguồn gốc tạo ra giá trị đất đai tăng thêm, mà giá trị này thường cao hơn lợi nhuận từ kinh doanh đầu tư trên đất.
Đất đai không phải do con người tạo ra, mà do tự nhiên tạo ra và có trước con người. Giá trị ban đầu của đất đai được tạo ra bởi tự nhiên nhưng khi đất đai được phân bổ ở những vị trí khác nhau đã tạo ra sự chênh lệch về giá trị của đất đai và kinh tế học gọi đó là chênh lệch địa tô.
Theo lý luận địa tô, có 3 loại địa tô cùng tồn tại trên đất đai: Địa tô tuyệt đối, địa tô chênh lệch 1 và đia tô chênh lệch 2. Trong đó mỗi loại địa tô có nguồn gốc và vai trò riêng trong điều tiết và phân phối lợi ích - phản ánh mối quan hệ kinh tế - xã hội về đất đai giữa các bên liên quan. Khi phân tích và tách biệt được giá trị vốn hóa của các loại địa tô, có thể đưa ra những chính sách phù hợp hơn về thu từ giá trị đất đai cho ngân sách Nhà nước, vừa khuyến khích đầu tư, vừa chia sẻ hợp lý, vừa quản lý được rủi ro tham nhũng và làm cho xã hội đồng thuận hơn.
Địa tô tuyệt đối là địa tô vốn có của đất đai, không phụ thuộc vào điều kiện vị trí đất đai, trình độ của người sử dụng, mà tùy thuộc vào vai trò của đất đai trong mỗi hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, địa tô tuyệt đối trong mỗi hoạt động kinh tế - xã hội sẽ khác nhau và thay đổi khi Nhà nước cho phép thay đổi mục đích sử dụng đất.
Công ty Phương Thùy Thủ Đô chưa được giao đất nhưng phân lô bán nền trong KCN?
Thời gian qua tại tỉnh Thái Nguyên, thực trạng sử dụng đất không đúng mục đích, quảng cáo phân lô bán nền trái phép xảy ra trên một số địa bàn. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra tại nhiều khu đất thực hiện dự án có chức năng thương mại dịch vụ, bên trong các khu công nghiệp ở tỉnh này.
Đơn cử, tại dự án Trung tâm dịch vụ tiện ích Điềm Thụy (vị trí tại Lô TT1, Khu công nghiệp Điềm Thụy, thuộc xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình và xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) và dự án Trung tâm dịch vụ tiện ích Sông Công 2 (thuộc Khu công nghiệp Sông Công 2, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), thời gian qua, cảnh rao bán đất nền diễn ra rất rầm rộ. Cả 2 dự án trên đều do Công ty TNHH Phương Thùy Thủ Đô (Công ty Phương Thùy Thủ Đô) làm chủ đầu tư.
Ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết: “Tại Khu công nghiệp Sông Công 2, Công ty Phương Thùy Thủ Đô chưa được giao đất, chưa làm các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định nhưng đã tiến hành xây dựng. Chúng tôi phát hiện từ tháng 8/2020, lập biên bản hành chính 2 lần. Cái khó của chúng tôi là không được phép xử phạt, chúng tôi đề nghị Sở Xây dựng phối hợp, mới ra Quyết định xử phạt hành chính với Công ty Phương Thùy Thủ Đô. Về góc độ của Ban, chúng tôi yêu cầu tháo dỡ ngay lập tức, trả lại hiện trạng, lập lại trật tự xây dựng ban đầu. Đối với biển quảng cáo, trong đó có chữ “bán” gây hiểu nhầm, yêu cầu công ty dỡ bỏ.
Trong cơn “sốt“ đất, người bán xôi, giò chả cũng thành... môi giới
Sáng sớm tinh mơ, bà L.T. (phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa) gấp gáp dọn hàng là gánh xôi đang được ủ nóng. Hôm nay, bà T. dậy sớm hơn thường lệ để kịp chuẩn bị đưa khách đi xem đất. Bà bảo: “Đất đai ở đâu cũng đang nóng nên tranh thủ giao dịch vài lô đất ở để kiếm thêm chút đỉnh”. Nói chưa dứt lời, bà T. vội rút điện thoại ra nói chuyện, giao dịch với khách hàng; trên tay vẫn cầm nắm xôi đưa cho chúng tôi.
Vì tò mò, chúng tôi buông lời đề nghị bà T. dẫn đi xem đất. Khu đất mà bà T. chỉ thuộc quyền sở hữu của một hộ dân ở khu phố 6, đang có ý định chuyển nhượng cho khách hàng. Khu đất có diện tích 160m2 được bà T. giao với giá 850 triệu đồng. Thấy các vị khách có vẻ lưỡng lự, bà T. liếc nhìn ra ngoài đường, ghé sát tai nói với chúng tôi như củng cố thêm niềm tin về giá trị của mảnh đất này: “Nếu cô chú không mua nhanh sẽ không còn cơ hội đâu”, rồi bà liên tục cầm điện thoại nhắn tin, gọi điện như có chuyện gì gấp gáp.
Theo một số người dân địa phương, tháng trước khu đất này được giao bán hơn 600 triệu đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, cò đất đã phát giá tới 850 triệu đồng. Bất ngờ hơn cả là chỉ khoảng 1 tuần sau khi chúng tôi được bà T. dẫn đi xem đất, mảnh đất này được giao bán trên mạng và “thổi” giá lên tới 1,3 tỷ đồng rồi 1,5 tỷ đồng.
Cách không xa phường Quảng Hưng, tại phường Quảng Thành (TP. Thanh Hóa), ông Th. được biết đến là người chuyên bán giò chả quanh khu vực Khu công nghiệp Lễ Môn. Trong cơn sốt đất tại nhiều địa phương, ông Th. đã tạm gác gian hàng là nghề mưu sinh của gia đình để chuyển sang làm môi giới bất động sản.
Thoạt nghe lời giới thiệu, khó ai có thể nhận biết được ông Th. từng là dân hàng xén chính hiệu. Người đàn ông này có trí nhớ siêu đến mức chỉ trong vài phút, ông có thể đọc vanh vách chi tiết từng mặt bằng và giá đất cụ thể ở từng vị trí tại khu vực nội, ngoại thành TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn. Ông Th. cũng sẵn lòng giải đáp mọi thông tin thắc mắc của khách hàng đối với từng loại đất cụ thể (đất dự án, đất thổ cư…).
Tiềm năng “thầm lặng” của bất động sản Cà Mau
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn còn nhớ lần đầu tiên đặt chân tới Cà Mau năm 1977, mọi thứ đều hoang sơ. Đến 2005, thành phố này phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng lần trở lại 2021 thì "thay da đổi thịt" hoàn toàn.
Cà Mau ngày nay sở hữu nhiều lợi thế mà các tỉnh lân cận không thể so bì. Về lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Cà Mau là tỉnh miền Tây sở hữu 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển lên đến 254km. Cùng với đó là mảng rừng U Minh chiếm đến 77% diện tích rừng nguyên sinh của cả ĐBSCL, rất lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và biển đảo.
Thêm một điều thú vị là Cà Mau nằm trong vùng ĐBSCL nhưng không bị ảnh hưởng của lũ sông Mekong như Cần Thơ, Hậu Giang…Vị trí chiến lược khác biệt này còn giúp tỉnh vươn lên thành trọng điểm kinh tế của cả nước.