'Bất động sản khó giảm thêm, ai có lực nên xuống tiền ngay'
Theo TS. Cấn Văn Lực: “Tùy phân khúc, tùy địa điểm, tùy người bán… nhưng rõ ràng ở thời điểm này ai có lực thì xuống tiền rất tốt. Tuy nhiên, lãi suất còn vẫn còn hơi cao cho nên chúng ta không nên dùng đòn bẩy tài chính”.
Chia sẻ tại Hội thảo "Giải mã Kinh tế và Chính sách 6 tháng cuối năm 2023 và dự báo năm 2024", TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ, cuối năm ngoái, ông đã đưa ra nhận định quý III đầu quý IV năm nay, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và bây giờ ông vẫn kiên định với nhận định đó.
Ông Lực phân tích, đến thời điểm đó, độ ngấm chính sách rất rõ, nhất là liên quan đến giảm lãi suất, các chương trình hỗ trợ, các chính sách tài khóa tiền tệ. Cùng với đó, những vụ việc đâu đó cũng đã được đàm phán, giải quyết. Hơn nữa, cuối năm nay, tất cả những vấn đề pháp lý, luật pháp có liên quan đến bất động sản sẽ được Quốc hội thông qua.
Và hơn tất cả, cuối cùng là đến thời điểm quý IV, nhận diện đà phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ rõ nét. Cụ thể là kinh tế thế giới có suy thoái hay không, lạm phát còn cao nữa hay không, manh nha giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương các nước đã xuất hiện chưa.
“Tôi đồng tình với một nhận định của một công ty đầu tư lớn nói rằng là thị trường bất động đã qua thời kỳ khó khăn nhất”. TS. Lực nói.
Vì thế, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia đồng quan điểm, đây là thời điểm tốt để xuống tiền mua bất động sản. Bởi, giá bất động sản khó giảm tiếp, nếu giảm cũng chỉ 3-5% coi như giảm khuyến mãi. Cung còn thiếu và nhu cầu phân khúc nhà ở vẫn còn cao. Những người đã đầu tư nhà ở, đất nền, kể cả biệt thự… là những người có tiền và bây giờ họ chờ giá lên mới bán, trừ một số người dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều bây giờ bí bách.
Bây giờ cũng là thời điểm lãi suất ngân hàng giảm. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đều tung các gói khuyến mãi, gói hỗ trợ tuyệt vời và giải quyết pháp lý rất nhanh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, từ đầu năm đến nay lãi suất huy động giảm bình quân mức 1-1,4%, lãi suất cho vay cũng giảm mức độ tương tự. Những ngày vừa qua, lãi suất đã và đang giảm tiếp. Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phấn đấu mặt bằng lãi suất giảm 1,5-2%.
“Nếu giảm 2% cả năm nay cũng là một thành công bởi so với nước ngoài lãi suất còn hơi cao”, ông Lực cho hay.
Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một vế của vấn đề, vấn đề là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thế nào, khả năng giải quyết những rào cản trên thị trường ra sao, pháp lý bởi có những dự án dù lãi suất giảm nhưng không vay được.
Giãn nợ là đẩy rủi ro về tương lai
Chia sẻ thêm thông tin Thông tư 02 về việc giãn nợ, cơ cấu nợ sau ngày 30/6/2024 sẽ thế nào? Các doanh nghiệp có được giãn nợ tiếp hay không?
“Chính sách phải có thời gian. Chính sách vô thời hạn hoặc chính sách thời gian dài quá sẽ tạo ra sự ỷ lại của nền kinh tế, ỷ lại của doanh nghiệp. Không thu xếp tiền nong để trả nợ thì rất nguy hiểm. Cơ cấu lại nợ là trì hoãn rủi ro chứ không phải xóa rủi ro. Để giãn nợ 3-5 năm, nợ xấu tăng lên một cách tiềm ẩn và không đúng bản chất của vấn đề.