Bất động sản khu công nghiệp sáng cửa trong năm 2024

Thông tin từ CBRE cho biết, trong năm 2023 mặc dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn nhưng bất động sản công nghiệp vẫn đạt được những kết quả tích cực. Dự báo trong năm 2024, bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là phân khúc sáng cửa giữa xu hướng khó khăn của thị trường bất động sản.

Nhiều lợi thế phát triển bất động sản khu công nghiệp

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), bất động sản công nghiệp đã duy trì vị trí hàng đầu trong suốt cả năm 2023. Trong năm qua, Việt Nam có 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 13 khu công nghiệp trong quá trình xây dựng.

Theo báo cáo của VARS, cả nước có 412 khu công nghiệp đã thành lập (tổng diện tích hơn 217.000 ha), 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.000 ha), 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng (tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37.500 nghìn ha).

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển bất động sản khu công nghiệp
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển bất động sản khu công nghiệp

Nhận định về Theo Công ty Cổ phần chứng khoán Tiên Phong (TPBS), trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã đưa ra nhiều động thái, chính sách vĩ mô có tác động tích cực như: Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ của các tổ chức tín dụng; chính sách giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023; 4 lần hạ lãi suất điều hành của ngân hàng Nhà nước nhằm giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn cho nền kinh tế…

Năm 2024, các chính sách giảm thuế VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tiếp tục được thực hiện, là động lực góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo bệ đỡ cho nền kinh tế phục hồi.

Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng quan trọng dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024 giúp tăng tính kết nối giữa các địa phương như giai đoạn 1 Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài…

Bên cạnh đó, Việt Nam được coi là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường kinh doanh và địa chính trị ổn định. Theo nghiên cứu của Tập đoàn Allianz, Việt Nam được xếp vào nhóm là điểm đến tốt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng hòa của các yếu tố trên đã giúp cho thị trường bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển "rực rỡ" dù cho bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Giá thuê bất động sản khu công nghiệp dự báo tăng

Theo giới chuyên gia, Luật Đất đai 2024 sẽ ảnh hưởng đến giá thuê bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, dự báo giá thuê sẽ tăng chứ không có xu hướng giảm. Đồi với các dự án chưa hoàn thành pháp lý cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án để nắm bắt cơ hội trước khi Luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 01/1/2025.

Luật Đất đai 2024 sửa đổi được thông qua mới đây đã bỏ khung giá đất, quy định này được đánh giá ít nhiều sẽ khiến giá đền bù đất bám sát với giá thị trường. Theo góc nhìn của nhiều chuyên gia, với bất cứ ngành nghề nào, khi chi phí đầu vào tăng thì cũng đều khiến giá thành tăng theo.

Vì vậy có 2 xu hướng xuất hiện trên thị trường. Một là các chủ đầu tư có năng lực, nguồn tiền sẵn sẽ tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đã có chủ trương đầu tư. Hai là một số doanh nghiệp sẽ hướng đến M&A các dự án đang bị ngộp dòng tiền để nắm bắt cơ hội.

Theo ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes nhận định, giới đầu tư hiện nay đang rất quan tâm phân khúc bất động sản công nghiệp. Năm 2024 có thể là một năm phát triển mạnh của phân khúc bất động sản này. “Chúng tôi ghi nhận nhiều đối tác lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kong đang dành sự quan tâm lớn cho phân khúc bất động sản công nghiệp. Với giới đầu tư đến từ nước ngoài họ luôn tìm kiếm cơ hội M&A. Tuy nhiên, tại Hà Nội và TP.HCM, giá đã tăng cao, quỹ đất khan hiếm nên cơ hội M&A hạn chế. Xu hướng thời gian tới sẽ lan sang các khu công nghiệp thuộc các tỉnh vùng ven hai đô thị trên”.

Tuy nhiên bên cạnh động lực, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV lưu ý vẫn còn một số vướng mắc về khu công nghiệp, bao gồm bất cập thể chế, chính sách. Ngoài ra, chất lượng quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn thấp; thiếu tầm nhìn tổng thể dài hạn, thời gian phê duyệt quy hoạch kéo dài, phức tạp; việc phát triển khu công nghiệp theo định hướng bền vững, sinh thái, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ chưa được chú trọng đúng mức.

Thêm nữa, công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, đa số là chậm tiến độ; quỹ đất ngày càng hạn chế; người dân chưa nhất trí với đơn giá bồi thường”, ông Lực nêu và cho biết thêm chi phí đầu tư, xây dựng biến động... vẫn đứng ở mức cao.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống