Bất động sản Long Biên, “vàng thau” lẫn lộn
Với sự phát triển của hạ tầng giao thông và đòn bẩy quy hoạch, thị trường bất động sản khu Đông Bắc Thủ đô, đặc biệt là quận Long Biên đang sôi động không kém khu Tây. Tuy nhiên, khách hàng cần thận trọng nếu không sẽ mua phải dự án có vấn đề.
“Đòn bẩy” quy hoạch
Theo Đề án quy hoạch Hà Nội năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Long Biên sẽ được định hướng trở thành trung tâm đô thị mới của Thủ đô, phát triển theo hướng bền vững trở thành trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa mới. Theo dự kiến, các công trình giao thông trọng điểm tại quận Long Biên sẽ được hoàn thiện trong năm 2021.
Thời gian qua, nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng được xây dựng, đi vào hoạt động như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì và nhiều tuyến đường được mở ra, đã kéo Long Biên gần hơn với trung tâm Hà Nội và các quận phát triển năng động phía Tây, cũng như kết nối thuận tiện với các địa phương lân cận.
Ngoài ra, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ có 16 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, nối hai bên bờ sông, thúc đẩy sự phát triển của trung tâm thành phố mới.
Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội Long Biên cũng ngày một phát triển, hội tụ đầy đủ các tiện ích hiện đại như các trung tâm mua sắm: Vincom Centre, BigC - Savico Mega Mall, Aeon Mall...; hệ thống bệnh viện, giáo dục hiện đại; hệ thống các công viên như Công viên công cộng thành phố rộng 210 ha, Công viên Vinpearl Land & Safari, Công viên công nghệ phần mềm 43,5 ha, hay sân Golf Vinpearl 293,88 ha.
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Long Biên là quận năng động, có tiềm năng rất lớn, đất đai nhiều. Đặc biệt, Long Biên sở hữu vị trí quan trọng không chỉ đối với khu vực phía Bắc Thủ đô Hà Nội, mà còn cả với các tỉnh phía Bắc.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cen Group cho biết, nếu so sánh về vị trí địa lý, Long Biên cũng vô cùng thuận tiện khi đây là nơi có vị trí gần khu 36 phố phường nhất trong tất cả các quận ngoại thành, lại rất gần các tỉnh công nghiệp lớn nhất của phía Bắc và Đông Bắc là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh…, nên đã tạo ra một sức hút đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Theo nhận định của các chuyên gia, với lợi thế hội tụ các yếu tố về hạ tầng, giá trị sống, trong tương lai không xa, Long Biên sẽ trở thành “thành phố bên sông” trù phú, sầm uất, hiện đại, đáng sống bậc nhất Thủ đô.
Doanh nghiệp đổ bộ
Với sự phát triển của hạ tầng giao thông và xã hội, cũng như đón đầu quy hoạch, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã nhắm đến khu vực quận Long Biên để phát triển dự án, nhiều nhà đầu tư vốn ưa thích khu Tây cũng đã dịch chuyển sang khu vực này.
Chẳng hạn, đầu năm 2019, thị trường Long Biên đón nhận Dự án TSG Lotus Sài Đồng tại phường Sài Đồng do Tập đoàn TSG làm chủ đầu tư.
Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô đã triển khai Dự án chung cư Hà Nội HomeLand tại ô đất N023, phường Thượng Thanh, dự kiến bàn giao nhà tháng 10/2019.
Cũng dự kiến bàn giao nhà trong năm 2019 này là Dự án chung cư HC Golden City Bồ Đề, tọa lạc ở 319 Cổ Linh, phường Bồ Đề do Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Thương mại Hùng Cường làm chủ đầu tư.
Trước đó, Dự án chung cư Ruby City CT 3 Phúc Lợi Long Biên, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Thăng Long - Việt Nam làm chủ đầu tư đã được bàn giao trong quý I/2019.
Với phân khúc biệt thự, liền kề, không thể không nhắc tới Khu đô thị Vinhomes Riverside do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô diện tích 270 ha là một khu sinh thái đặc biệt cao cấp, sang trọng và hiện đại bậc nhất Việt Nam.
Ngoài ra, cũng phải kể đến Dự án Khai Sơn City, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên do Tập đoàn Khai Sơn làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 180 ha, gồm 3 phân khu là chung cư Khai Sơn Premier, shophouse Khai Sơn Town và biệt thự Khai Sơn Hill. Dự án có nhiều tiện ích hiện đại như hệ thống trường học từ mẫu giáo tới trung học phổ thông, bệnh viên quốc tế Nhật Bản, chuỗi khách sạn 4 và 5 sao, trung tâm thương mại, siêu thị, công viên với hồ điều hòa, gym, spa, bể bơi 4 mùa…
Trước đó, có thể kể đến Dự án Khu đô thị Việt Hưng, hay các dự án của Eurowindow, MIK Group, Him Lam...
Nhưng “cẩn tắc vô áy náy”
Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một điều lạ là nhiều dự án bất động sản tại Long Biên đang được triển khai rầm rộ, nhưng lại không có biển báo tên công trình, trái với Điều 109, Luật Xây dựng và Điều 16, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, tại phố Hoàng Như Tiếp, phố Hồng Tiến, phố Lâm Hạ…, phường Bồ Đề có 3 - 4 dự án bất động sản quy mô lớn, được triển khai xây dựng rầm rộ, nhưng không có bất cứ một biển thông báo nào về dự án tại công trình xây dựng. Tại một trong những dự án này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản hỏi ra mới biết đó là Dự án chung cư HC Golden City.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, người dân sở tại cho biết, khu vực này trước đây là đất thuộc đơn vị pháo phòng không, nhưng nay mọc lên một dự án bất động sản đồ sộ mà không có bất cứ một biển báo thông tin gì.
Việc không treo biển thông báo tên dự án tại công trình xây dựng không những chưa đúng quy định pháp luật, mà còn khiến khách hàng khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về dự án.
Theo nhận định của các chuyên gia, với dự án đầy đủ pháp lý sẽ công khai minh bạch thông tin và tuân thủ đúng luật định. Những dự án úp mở về thông tin dự án thường là các dự án “có vấn đề”. Do đó, người mua cần tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền để tránh “tiền mất tật mang”. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý những dự án không tuân thủ các quy định, thông báo công khai để người dân biết, nhằm phòng tránh rủi ro.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Theo Nhất Nam/ Báo Đầu tư Bất động sản