Bất động sản nghỉ dưỡng chờ lực đẩy từ dòng vốn ngoại

Trong khi các phân khúc bất động sản khác đang rục rịch trở lại đường đua, thì bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi bởi niềm tin của nhà đầu tư xuống thấp. Các chuyên gia dự báo, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm 2023.

 

Bất động sản nghỉ dưỡng chờ lực đẩy từ dòng vốn ngoại - Ảnh 1

Bất động sản nghỉ dưỡng ì ạch đi qua vùng đáy

Sau thời gian bùng nổ, từ khoảng năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu có xu hướng chững lại. Thị trường hầu như không có giao dịch do khủng hoảng pháp lý, nhiều dự án "vỡ trận" cam kết lợi nhuận với khách hàng. Đặc biệt, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến, các hoạt động du lịch ngưng trệ, từ đó đến nay, nhà đầu tư vào bất động sản này rơi cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Số liệu thống kê của DKRA Group vừa đưa ra cho thấy trong tháng 4/2024, nguồn cung của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, kéo dài trạng thái ảm đạm. Cụ thể, với biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung quý đầu năm cải thiện nhẹ với 38 căn mới, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ, tập trung 100% tại khu vực miền bắc. Sức cầu ở mức rất thấp, lượng tiêu thụ giảm 33%, cả tháng chỉ bán được 2 căn, tầm giá dưới 15 tỷ đồng/căn.

Đối với condotel, trong tháng 4 thị trường không ghi nhận nguồn cung mở bán mới, khiến thị trường vẫn duy trì trạng thái ảm đạm kéo dài. Nhiều dự án vướng mắc pháp lý chưa thể giải quyết, bên cạnh đó nhiều chủ đầu tư cũng liên tục dời thời gian triển khai bán hàng vì thị trường thiếu tích cực.

Sức cầu chung ở phân khúc condotel cũng ở mức rất thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp tập trung chủ yếu vào những sản phẩm có tổng giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng liền kề. Bất chấp loạt ưu đãi khủng, thanh khoản thị trường vẫn vô vùng ì ạch.

Ở góc độ tích cực, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, bất động sản nghỉ dưỡng đang có tín hiệu tích cực. Không ít dự án trước đó gặp vướng mắc, chậm tiến độ đang trong quá trình đàm phán, chuyển giao cho chủ đầu tư mới có năng lực, thúc đẩy thị trường mua bán, sáp nhập.

Trong số các thị trường ven biển, đại diện Savills Hotels cũng đưa ra đánh giá, Đà Nẵng đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi nhờ cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, thị trường Nha Trang - Cam Ranh vẫn gặp nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung Quốc.

Những phân tích của chuyên gia đang có nhiều điểm tương đồng với những động thái từ thực tế tại các địa phương. Đơn cử, tại Quảng Nam, một trong những tỉnh từng là điểm nóng của bất động sản nghỉ dưỡng, đang đẩy nhanh rà soát và tiến tới cấp giấy chứng nhận các dự án căn hộ du lịch (condotel), đảm bảo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc vốn đang chìm trong ảm đạm.

Chờ lực đẩy từ dòng vốn ngoại

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - cho biết đến nay, trong khi các phân khúc khác đều đã có nhiều dấu hiệu phục hồi thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm. Dù ngành du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ, gần tiến tới mức tương đương năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Theo đánh giá của các chuyên gia, có khá ít dư địa để các loại hình nghỉ dưỡng bật tăng trong ngắn hạn. Hy vọng lớn nhất là “chất xúc tác” đến từ dòng vốn ngoại.

Cùng với dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, kiều hối cũng được đánh giá là một trong những động lực cho bất động sản nghỉ dưỡng. Dự báo này là có cơ sở bởi lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng trong những năm trở lại đây.

Số liệu từ VARS cho biết, năm 2023, kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm liền kề. Đặc biệt, Việt kiều đang có xu hướng "chuộng" những phân khúc "thanh khoản khó", giá trị cao như biệt thự cao cấp ở đô thị lớn hay bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.  "Lượng kiều hối sẽ là nguồn cầu mới đẩy nhanh quá trình tan băng cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang khát vốn", VARS đánh giá.

Dự báo về năm 2024, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, dự kiến nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024 kỳ vọng cải thiện khoảng 20% so với năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển sẽ dẫn dắt thị trường do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đồng thời, Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… đem lại hy vọng cho chủ đầu tư, tạo động lực hỗ trợ bứt phá trở lại.

Cùng với pháp lý, dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được đánh giá là một trong những động lực cho bất động sản nghỉ dưỡng trở lại “đường ray” tăng trưởng. Mặc dù vẫn còn những điểm nghẽn ở phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng hay condotel, nhưng loạt thương hiệu khách sạn quốc tế đang dần gia tăng độ hiện diện tại Việt Nam.

Để khônng bỏ lỡ nguồn cầu này, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao tiêu chuẩn về thiết kế, chất lượng xây dựng và tiện ích khi phát triển sản phẩm. Cơ quan quản lý cũng cần áp dụng nhiều chính sách thuế ưu đãi như giảm, miễn thuế với Việt kiều đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Cùng với đó, hệ thống thông tin, quy định cần minh bạch, dễ hiểu để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống