Bất động sản nghỉ dưỡng được trợ lực từ nhiều yếu tố
Tới thời điểm hiện tại, khi các phân khúc khác đều có dấu hiệu phục hồi thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “ảm đạm”. Từng đặt kỳ vọng ngành du lịch phục hồi sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển nhưng vướng mắc về pháp lý khiến phân khúc này vẫn nằm im chờ đợi.
BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều thách thức
Phân tích của công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, mặc dù đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực nhưng thị trường vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang thiếu vắng thanh khoản trầm trọng bởi những vướng mắc trong vấn đề pháp lý cũng như hệ quả của việc phát triển quá nóng ở các chu kỳ trước.
Nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam (chiếm 80%-90% tổng nguồn cung cả nước). Hàng loạt dự án đã phải dừng triển khai do vướng pháp lý khiến lượng hàng tồn kho tăng mạnh, nguồn cung mới thì liên tục sụt giảm. Sức cầu của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ với tỷ lệ hấp thụ của biệt thự nghỉ dưỡng/nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng đạt 3,3%/0,9%.
Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang, các nhà phát triển liên tục đưa ra các chính sách cam kết chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc nhưng thanh khoản vẫn chưa được cải thiện.
Mặc dù Việt Nam đã mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế hơn 1 năm nay, nhưng ngành du lịch vẫn gặp nhiều thách thức, như: các yếu tố lạm phát, xung đột chính trị, chi phí hàng không đắt đỏ và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành… khiến quá trình khôi phục của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng chậm đà theo.
Ở thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Nha Trang và Đà Nẵng vẫn gặp nhiều thách thức như lợi nhuận hoạt động kinh doanh tại những khu vực này vẫn đang thấp hơn Bali (Indonesia) và Phuket (Thái Lan) 40% - 60%.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, trước đại dịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng với tốc độ bình quân 16,9% mỗi năm trong giai đoạn 2009 - 2019. Điều này đã thúc đẩy các dự án nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, ngay trước khi đại dịch xảy ra, với số lượng lớn nguồn cung phòng đang hoạch định và phát triển, ngành du lịch Việt Nam cần nguồn cầu tăng trưởng 20 - 30% mỗi năm để theo kịp tốc độ phát triển nguồn cung.
Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng “nóng”, thị trường đang giảm tốc với nhiều dự án triển khai dang dở cũng như một số dự án chưa đạt được hiệu quả tối ưu.
Về hoạt động đầu tư, phát triển dự án hiện nay, ông Mauro nhận định, việc tiếp cận nguồn vốn trở nên thách thức hơn, nhưng nhiều quỹ và nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm, tìm kiếm những sản phẩm đầu tư phù hợp tại Việt Nam.
Kỳ vọng phục hồi từ trợ lực đến từ pháp lý
Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai dự án hạ tầng... Đặc biệt là hấp lực từ ngành du lịch, trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, sẽ là động lực để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ đó phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ được “bơm” thêm vốn và sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường bất động sản.
Cùng với đó, Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… trong thời gian tới đây cũng được kỳ vọng sẽ đạt “độ ngấm” nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại của du lịch nghỉ dưỡng.
Con số khả quan được VARS dự kiến về nguồn cung bất động sản, nghỉ dưỡng năm 2024 là cải thiện khoảng 20% so với năm trước. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc này, do vừa đáp ứng nhu cầu du lịch biển của khách du lịch trong và ngoài nước, phân khúc căn hộ biển cũng có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.
Kỳ vọng về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay có thể cải thiện 20% so với năm ngoái. Trong đó, loại hình căn hộ biển tại các dự án lớn sẽ chiếm ít nhất 60% thị phần. Giá bán trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có xu hướng cải thiện nhẹ. Sản phẩm căn hộ du lịch có giá khoảng 50 triệu đồng mỗi m2 sẽ tiếp tục đi ngang trên thị trường thứ cấp. Lượng giao dịch được dự báo tăng khoảng 30% so với năm ngoái, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với trước dịch Covid-19.