Bất động sản nghỉ dưỡng được tiếp sức nhờ các thương hiệu xa xỉ

Theo chuyên gia, các thương hiệu xa xỉ luôn muốn tiếp cận nơi khách hàng sinh sống, vui chơi, đặc biệt tại các khu vực tập trung các điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nơi thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng. Do đó, khu resort nghỉ dưỡng là thị trường duy nhất không bị chậm lại trong việc mở cửa hàng mới.

 

Bất động sản nghỉ dưỡng được tiếp sức nhờ các thương hiệu xa xỉ - Ảnh 1

Bởi lẽ, dù là du lịch mùa đông hay nghỉ dưỡng mùa hè trên biển thì việc tiếp cận với nhiều lựa chọn mua sắm vẫn là ưu tiên hàng đầu của du khách. Số lượng mở cửa hàng xa xỉ tại các thị trường resort nghỉ dưỡng đã tăng gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2023, gần gấp bốn lần tỷ lệ trung bình toàn cầu trước đại dịch.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, sự gia tăng các cửa hàng pop-up tại khu nghỉ dưỡng đến từ hai yếu tố là nhu cầu từ phía thương hiệu và s gia tăng nguồn cung.

Theo ông Matthew Powell: “Các thương hiệu xa xỉ muốn tiếp cận khách hàng cao cấp tại khu nghỉ dưỡng. Trong khi các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp ngày càng chú trọng tìm cách tận dụng tối đa không gian bất động sản của họ bằng cách tạo ra các cơ hội bán lẻ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ được mở tạm thời) mang đến những cách tiếp cận đa dạng, giúp sự hiện diện tạm thời của thương hiệu tại các địa điểm nghỉ dưỡng trở thành trải nghiệm đáng nhớ và đáng chia sẻ cho mỗi khách hàng”.

Các thương hiệu thời trang cao cấp Alexander McQueen, Balenciaga, Burberry, Bvlgari và Zimmerman đang nối bước các ông lớn trong ngành như LVMH, Richemont và Armani, bằng cách chọn đặt cửa hàng tại các điểm resort nghỉ dưỡng để tiếp cận gần hơn với khách hàng mục tiêu của họ.

Bên cạnh đó, việc định vị và liên kết với các thị trường nghỉ dưỡng cũng cho phép các thương hiệu mở rộng phạm vi và danh mục sản phẩm của mình, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch nghỉ dưỡng, ví dụ như đồ thể thao mùa đông, phụ kiện du lịch...

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, Savills nhận định, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định, tính từ giai đoạn sau Covid - 19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa được xem là một trong các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế đối với thị trường này.

Một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam là so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Điều này, tạo ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.

Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm hồi phục

Nhiều động lực cũng thúc đẩy thị trường này phát triển theo hướng tích cực hơn trong tương lai. Ngoài các thương hiệu xa xỉ tìm đến, bất động sản nghỉ dưỡng còn được tiếp sức nhờ chính sách pháp lý.

Các chuyên gia nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang là phân khúc được các nhà đầu tư quốc tế săn đón, các thương vụ M&A vẫn đang được ký kết, các thương hiệu quản lý khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

Hội môi giới bất động sản Việt Nam tin rằng việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai dự án hạ tầng... Đặc biệt là hấp lực từ ngành du lịch, trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, sẽ là động lực để doanh nghiệp phát triển dự án đẩy nhanh tiến độ, bơm thêm nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới vào thị trường, giúp thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường bất động sản.

Đồng thời, Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… thời gian tới có thể đạt độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại.

Vars dự kiến nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.

Từ thực tế đó, ông Ishan Kala, Tổng giám đốc Kohler Việt Nam & Philippines, nhìn nhận việc chú trọng tích hợp nguyên tắc phát triển bền vững vào môi trường xây dựng ngày càng gia tăng, đòi hỏi nhà sản xuất càng phải hợp tác toàn diện hơn cùng chủ đầu tư, đơn vị điều hành và nhà thiết kế, kiến trúc sư trong ngành bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH KN Cam Ranh cho hay, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phân khúc du lịch nghỉ dưỡng đã sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Theo ông Thanh, khung pháp lý hoàn thiện, cùng lực đẩy từ ngành Du lịch, sẽ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bắt kịp đà phục hồi chung, dự kiến nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024 sẽ có cơ hội cải thiện khoảng 20% so với năm ngoái, trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn.

Minh Hương

Theo Chất lượng và cuộc sống