Bất động sản sở hữu kỳ nghỉ: Dự án thật, sản phẩm ảo
Sản phẩm bất động sản sở hữu kỳ nghỉ có sức hấp dẫn riêng, nhất là vào mỗi kỳ nghỉ hè, từng được xem là “lối thoát” cho hàng tồn kho dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, lợi dụng niềm tin của khách hàng, nhiều sàn môi giới “trá hình” đang tung các “chiêu” lừa đảo khiến các chủ đầu tư đã khó nay lại càng khó thêm.
“Mục sở thị” dự án thật - sản phẩm “ảo”
Nhận được điện thoại của một nhân viên tư vấn bán sản phẩm bất động sản sở hữu kỳ nghỉ, phóng viên Đầu tư Tài chính đã có mặt tại tòa nhà sang trọng ngay quận 3 (TP. HCM). Tại đây, khách hàng được thông báo tặng voucher nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại một khu nghỉ dưỡng của tập đoàn bất động sản Sun Group ở Phú Quốc và được tư vấn, chỉ với 300 triệu đồng, khách hàng sẽ được mua sản phẩm căn hộ condotel dưới dạng sở hữu kỳ nghỉ của Sun Group tại “đảo ngọc”, thời hạn sở hữu lên tới 20 năm, mỗi năm 1 tuần lễ trong kỳ nghỉ hè.
Nhiều khách hàng tin tưởng bởi được tận mắt xem video clip chiếu hình ảnh dự án, xem các bộ sưu tập địa điểm du lịch mà công ty bán kỳ nghỉ liên kết, kèm hàng loạt hợp đồng đã ký kết, hình ảnh căn hộ 5 sao hấp dẫn mà “sàn giao dịch” khoe khoang đã làm đại lý độc quyền, nên đã “xuống tiền”. Người mua ít nhất khoảng 200 triệu đồng/hợp đồng. Có khách hàng mua sản phẩm kỳ nghỉ lên tới 25 năm trị giá 500 triệu đồng/hợp đồng.
Khi phóng viên Đầu tư Tài chính đề nghị được hỗ trợ đặt phòng nghỉ theo voucher được tặng tại khu bãi Khem (Phú Quốc) để “mục sở thị” các dự án hoành tráng mà sàn giao dịch trên đã quảng cáo, nhân viên môi giới đồng ý. Tại “đảo ngọc”, các lễ tân ở khu resort tại bãi Khem cho phóng viên biết, loại voucher được tặng thực chất là ưu đãi thông thường mà Sun Group ký hợp tác với bất cứ công ty du lịch nào và khách phải trả 1,2 triệu đồng/đêm phí dịch vụ.
Dẫu vậy, các nhân viên môi giới của sàn giao dịch bán bất động sản sở hữu kỳ nghỉ tại TP. HCM đã diễn y như thật. Họ cho xe đón phóng viên tới thăm văn phòng đại diện của công ty ở trong quần thể khu đô thị của Sun Group và xem một dự án condotel hoành tráng sát nhà ga cáp treo tại An Thới.
“Dự án này đang vào giai đoạn hoàn thiện để bàn giao nhà. Chỉ cần 300 triệu đồng là 6 tháng sau, anh có thể sử dụng kỳ nghỉ của mình, sở hữu căn hộ 5 sao. Dự án có bãi biển riêng, có nhà hàng phục vụ ăn sáng 5 sao, nếu không thích thì có thể đổi sang bất cứ dự án nào khác của Sun Group tại Nha Trang, Đà Nẵng. Tuy nhiên ngay hôm nay phải đặt cọc ít nhất 100 triệu đồng”, một môi giới tư vấn.
Khi phóng viên trả lời thẳng thừng không ưng ý, không mua, nhân viên môi giới bỏ mặc phóng viên ở lại quần thể dự án, tự túc xe về khách sạn. “Mục sở thị” bên trong tòa nhà được quảng cáo là chuyên bán bất động sản sở hữu kỳ nghỉ, một số nhân viên đang vận hành tòa nhà tại đây cho biết, dự án này đúng là của tập đoàn Sun Group, nhưng là căn hộ đã bán hết cho người mua dưới dạng sở hữu vĩnh viễn, không phải là condotel và cũng không có tổ chức nhà hàng 5 sao nào phục vụ du khách thuê ngắn ngày.
Gánh nợ vì sập “bẫy” khuyến mãi
Chị Lê Thị Hương (ngụ TP. Thủ Đức) cho biết, chị cũng mới là nạn nhân của tình trạng dự án nghỉ dưỡng thật, nhưng sản phẩm “ảo” và bị mất tiền oan khi ký kết mua sản phẩm.
“Tình cờ tôi nhận được cuộc gọi từ một nhân viên tư vấn của một sàn giao dịch bất động sản tại quận 1 nói, công ty có chương trình tặng 100 triệu đồng nếu đặt mua ngay sản phẩm kỳ nghỉ của FLC trong tháng 5. Tôi háo hức đến tham dự sự kiện, được xem video những hình ảnh đẹp lung linh về những kỳ nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao của FLC và những đơn vị ‘đối tác’ quốc tế của công ty và cọc tại chỗ 50 triệu đồng. Tuy nhiên, một tuần sau khi đi công tác về, đến ký hợp đồng thì văn phòng công ty đã đóng cửa”, chị Hương kể.
Tương tự, một số nạn nhân đã mua bất động sản sở hữu kỳ nghỉ của Công ty HFV tại quận Bình Thạnh mới đây đã viết thư tố cáo bị lừa đảo tới nhiều cơ quan chức năng. Họ thừa nhận đã nghe tư vấn và đều bị lạc vào mê hồn trận, không thoát ra được và gần như 100% khách hàng đã đặt bút ký hợp đồng. Người mua trả trước vài trăm triệu đồng, trong hợp đồng ghi rõ được sở hữu căn hộ 5 sao mỗi năm 1 tuần của hàng loạt dự án nổi tiếng nhưng mới đây, Công ty HFV đã thông báo đóng cửa toàn bộ văn phòng tại Hà Nội và TP. HCM.
Chủ đầu tư khổ vì “vàng thau lẫn lộn”
Theo bà Nguyễn Thu Hòa, giám đốc điều hành một khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Phú Quốc, mô hình bất động sản sở hữu kỳ nghỉ đã ra đời từ lâu, trở thành một kiểu chia sẻ du lịch phổ biến khắp thế giới có sự tham gia của nhiều tập đoàn bất động sản uy tín. Đây được xem là một “cứu tinh” cho một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang khó khăn về đầu ra tại Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết thời điểm này. Một số chủ đầu tư bất động sản cũng đã kinh doanh mô hình này ví dụ như chủ dự án một khu phức hợp khách sạn - căn hộ - sân golf ở Mũi Né (Phan Thiết). Nhờ vậy, việc đầu tư các sản phẩm condotel khá trôi chảy, cả chủ dự án và khách hàng đã mua bất động sản ở khu này đều có doanh thu ổn định mỗi tháng.
“Không chỉ ở Phan Thiết, tôi còn đầu tư một số căn hộ du lịch khách sạn ở Đà Nẵng, Phú Quốc và cơ sở để tôi mua căn hộ đó là dự án đã vận hành bán được kỳ nghỉ tốt. Nhưng gần đây thì nhiều dự án hầu như ‘đứng hình’, không có nguồn thu vì du khách bị lừa nhiều, đó là lý do hiện tại tôi cũng không dám đầu tư condotel hay biệt thự nghỉ dưỡng”, chị Khánh Hà, một nhà đầu tư ở TP. HCM cho hay.
Còn anh Duy Anh, Việt kiều Mỹ, một nhà đầu tư thứ cấp tại Nha Trang, cũng chia sẻ rằng một số tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản lưu trú đã tham gia hình thức bán kỳ nghỉ (time-share) như Hilton, Sheraton, Marriot, Vingroup... Qua đó, nhà đầu tư thứ cấp có thể chuyển nhượng quyền sử dụng cho người khác, bán hoặc tặng, trao đổi kỳ nghỉ được ấn định cho bạn bè, người thân, tăng nguồn thu. Nhưng nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn thị trường “loạn” sản phẩm trá hình như hiện nay, thì chắc chắn tình hình kinh doanh sản phẩm loại này rất khó khăn, kéo theo sự ảm đảm của việc bán sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Mạnh Thắng (đoàn luật sư TP. HCM) cho rằng, việc tồn tại các sàn giao dịch “trá hình” là trái pháp luật và cần được các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Bản thân các chủ đầu tư bị các đơn vị môi giới đem sản phẩm của mình làm “mồi” cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm và lên tiếng cảnh báo cho nhà đầu tư để ổn định lại thị trường.
Chia sẻ giải pháp ở góc độ thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao hiểu biết, không tham gia giao dịch đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng chưa minh bạch về pháp lý, thông tin. Người dân cũng nên tìm hiểu thông tin về dự án bất động sản kỳ nghỉ trên các kênh chính thống của chủ đầu tư hoặc có thể liên hệ tới phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng các địa phương, tránh bị lừa đảo, “tiền mất tật mang”.