Bất động sản thu hút gần 3 tỉ USD dòng vốn ngoại

Bất động sản là ngành đứng thứ hai thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 tháng đầu năm nay, với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố từ đầu năm đến ngày 20.5, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới giảm 53,4% so với cùng kỳ. Tổng cộng, vốn FDI trong 5 tháng đầu năm đạt 11,71 tỉ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%..

Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt gần 4,12 tỉ USD, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư tăng thêm đạt trên 5,61 tỉ USD, tăng 45,4% và vốn góp mua cổ phần trên 1,98 tỉ USD, tăng 51,6%.

Các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỉ USD. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ USD và tiếp theo là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ..

Trong 5 tháng đầu năm, đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,06 tỉ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực bất động sản thu hút hàng tỷ đô la vốn ngoại
Lĩnh vực bất động sản thu hút hàng tỷ đô la vốn ngoại

Đặc biệt, với dự án Lego có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỉ USD đưa Đan Mạch là nước thứ ba có tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng qua. Dự án Lego cũng đưa Bình Dương trở thành địa phương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,52 tỉ USD, gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,65 tỉ USD và TP.HCM xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỉ USD, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư FDI rót vốn vào các ngành

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Duy Đông, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại dịch vụ, đời sống nhân dân trở lại bình thường. Việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu (XK) trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của thế giới tăng cao đang tăng cường vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất, là một phần của chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Trao đổi với PV Lao Động, Chủ tịch JCI Việt Nam - ông Vũ Tuấn Anh - nhấn mạnh: Một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại khi rót tiền vào thị trường Việt Nam là đồng tiền Việt ổn định so với các đồng ngoại tệ khác. Hơn nữa, thế mạnh của Việt Nam là đã tham gia 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tạo lợi thế trong hoạt động thương mại để đẩy mạnh XK giúp Việt Nam có thêm “điểm cộng” trong mắt các DN đầu tư nước ngoài (FDI).  

Hiện tại, Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực trên tiến trình đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG). Xếp hạng thứ 51 trong số 162 quốc gia trong Bảng Chỉ số SDG (mục tiêu phát triển bền vững), Việt Nam được đánh giá thành công hơn các quốc gia Đông Nam Á khác, trừ Thái Lan. Chính vì vậy, ngày càng nhiều DN ngoại quan tâm đến Việt Nam và có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào nước ta.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những giải pháp rất hiệu quả của cả Chính phủ, DN và người dân trong việc kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế. Điều này thể hiện ở các dự án đầu tư FDI chất lượng cao, nguồn vốn lớn đang được rót vào Việt Nam trong thời gian gần đây và tỉ lệ giải ngân đang được đẩy mạnh.

Cụ thể, trong quý I/2022, vốn FDI vào thị trường Việt Nam là 3,2 tỉ USD, giải ngân lên đến 4,42 tỉ USD; trong đó, lĩnh vực hút vốn lớn nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản.

Để đón sóng đầu tư FDI với quy mô lớn hơn, bền vững hơn, giá trị cao hơn, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư nhận xét hiện nhiều nhà đầu tư lớn đang dồn sự chú ý tới Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung ứng và dịch chuyển địa điểm đầu tư, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu rất lớn đối với cơ sở hạ tầng, trong đó có những ngành vốn đang rất sôi động như logistics, bất động sản công nghiệp…

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong phần sửa đổi, nhiều “điểm nghẽn” tồn tại lâu nay sẽ được giải quyết như quy hoạch, thủ tục hành chính… Việc sửa đổi nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp; giảm bớt các thủ tục trùng lắp để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất.

 

* Theo Bộ KHĐT, hiện nay, cả nước có 335 KCN với tổng diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường để thu hút các dòng vốn ngoại tệ mạnh từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Châu Âu (EU)...

* Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius: Cộng đồng DN Hoa Kỳ nhận được nhiều sự quan tâm và tạo điều kiện để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và các DN Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường mang tính chiến lược. Do đó, sự phát triển của Việt Nam được cộng đồng DN Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm, nhất là về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng.

* Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam: AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản. Nhật Bản cũng chọn Việt Nam là mắt xích quan trọng trong hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống