Gỡ rối “nút thắt” bất động sản công nghiệp để đón sóng đầu tư lớn

(CL&CS) - Bất động sản công nghiệp Việt Nam là phân khúc đầy tiềm năng nhưng đang gặp phải những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để tạo sự đột phá phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, giá đất tăng, chưa đồng bộ cở sở hạ tầng và chuỗi cung ứng là những vấn đề cần được giải quyết để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, việc khơi thông điểm nghẽn, đón dòng vốn mới, vận hành chuỗi cung ứng và kiến tạo khu công nghiệp là những vấn đề đang được bàn luận và quan tâm.

Gỡ rối “nút thắt” bất động sản công nghiệp để đón sóng đầu tư lớn - Ảnh 1

Tiềm năng phát triểm thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam

Sau đại dịch Covid-19 với nhiều khó khăn diễn ra, dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các hoạt động luân chuyển hàng hóa, làm trì hoãn tiến độ thực hiện nhiều dự án nhưng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2021 vẫn tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 31,15 tỉ USD đặc biệt vốn đầu tư mở rộng tăng mạnh 40,5%. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022 vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam lên đến 10,8 tỉ USD, vốn đầu tư tăng thêm 5,29 tỉ USD, tăng 92,5% so với năm trước. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5%.

Đầu năm 2022 “ông lớn” Coca Cola đã đầu tư nhà máy với hơn 136 triệu USD ở Long An, cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp liên tục phát triển nhu cầu thuê mặt bằng ở các địa phương ngày càng cao, sự kỳ vọng và tin tưởng của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam là rất lớn.

Với những điều kiện thuận lợi như lực lượng lao động trẻ với tay nghề cao, chi phi lao động tương đối thấp, môi trường chính trị ổn định, triển vọng kinh tế tích cực, Việt Nam đang là điểm đến của các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI hiện nay không chỉ tập trung đổ dồn vào các khu kinh tế trọng điểm ở miền Nam và miền Bắc mà còn mở rộng ra nhiều khu vực miền Trung. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 395 khu công nghiệp tại 61 tỉnh và thành phố, tổng diện tích gần 123.000ha và vẫn đang trên đà phát triển đáp ứng nhu cầu đầu tư và sản xuất cả trong và ngoài nước.

Sau đại dịch, Việt Nam nhanh chóng hồi phục kinh tế và vẫn tiếp tục trên đà phát triển. Vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022 được kỳ vọng khởi sắc với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế. Vốn FDI vào Việt Nam cao nhất trong 5 năm. 78% vốn giải ngân trong quý 1/2022 dành cho lĩnh vực sản xuất.

Theo nhiều chuyên gia nhận định dòng vốn nước ngoài hiện nay đang đổ về Việt Nam đặc biệt tập trung vào mảng sản xuất. Ngoài quỹ đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất còn có lượng đầu tư vào bất động sản.

Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như LG, Nike, Samsung, Lego, Pandora… Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tăng trưởng liên tục, thúc đẩy các hoạt động thương mại khác.

Việt Nam là điểm đến của các dòng vốn đầu tư nước ngoài  
Việt Nam là điểm đến của các dòng vốn đầu tư nước ngoài  

Những “nút thắt” và phương pháp tháo gỡ

Giá bất động sản hiện nay ngày càng cao cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng chưa đồng đều. Đất ở vị trí trung tâm ngày một khan hiếm và giá thành tăng nhanh, Các cơ sở công nghiệp vẫn còn khá ít, đây là những khó khăn trước mắt cần phải tìm phương án tháo gỡ.

Giá đất công nghiệp hiện nay đã bị đẩy lên quá cao so với kỳ vọng về chi phí của nhà sản xuất. Cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để giải quyết những vẫn đề này, hỗ trợ các tỉnh thành còn đang có nhiều đất trống phát triển, nhưng điểm gây khó khăn là vị trí đất lại cách khá xa với các khu kinh tế trọng điểm.

Cở sở hạ tầng chưa phát triển, để có thể đi lên một bước tiến mới tạo sự thu hút và có tính cạnh tranh, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng biển, hệ thống điện nước và hệ thống tái tạo năng lượng.

Hiện nay thủ tục đầu tư, xây dựng môi trường  đang trở thành một “nút thắt” rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Liên quan đến nhiều vấn đề cần giải quyết như quy hoạch, chủ trương đầu tư, các vấn đề về môi trường, xây dựng,…

Các khu công nghiệp đang dần dần thay đổi mô hình phát triển theo hướng kinh tế, xã hội và môi trường. Chính phủ đang hỗ trợ những điều kiện cần thiết hoàn thiện thể chế, đầu tư môi trường kinh doanh thông thoáng, khuyến khích các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp và kinh tế được hoàn thiện, chất lượng nhà xưởng chuẩn quốc tế, nghiên cứu liên kết hình thành mạng lưới sản xuất,… với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành “trung tâm” sản xuất mới của thể giới.

Ngoài ra, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10/2022. Khi được thông qua, các sắc luật này sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản, giúp xóa bỏ những mâu thuẫn pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trong thời gian qua.

Theo Chất lượng và Cuộc sống