Rào cản thủ tục hành chính khiến bất động sản công nghiệp trì trệ
Ngoài điểm nghẽn là kết nối hạ tầng, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm bớt thủ tục hành chính để các dự án bất động sản công nghiệp thực hiện nhanh hơn.
Mới đây, tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2022 tổ chức ngày 24/5 ở TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ rất sôi động trong thời gian tới, nhất là bất động sản liên quan đến kho bãi, dịch vụ hỗ trợ logistics… Dự báo từ nay đến năm 2025, nhu cầu nhà kho, dịch vụ hỗ trợ cho logistics sẽ tăng 22%.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, một trong những điểm nghẽn của bất động sản công nghiệp hiện nay là tắc nghẽn kết nối hạ tầng, nhất là khu vực phía Nam. Cụ thể, kết nối hạ tầng giao thông trong vùng rất chậm, còn kết nối hạ tầng nội bộ bên trong của các địa phương thì chưa đồng bộ.
Hiện nguồn cung kho bãi, dịch vụ logistics tại TP.HCM nhiều nhưng đã lấp đầy đến 95% nên khó đáp ứng nhu cầu thực tế. Riêng Đồng Nai và Bà Rịa -Vũng Tàu có nguồn cung kho bãi có sẵn lớn nhưng chưa khai thác được do việc kết nối hạ tầng với TP.HCM thường xuyên quá tải. Chính vì thiếu kho bãi, giao thông kết nối hạn chế nên chi phí logistics của Việt Nam cao nhất Châu Á, doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp mong muốn đường Vành đai 3 sớm được triển khai xây dựng để giải quyết nút thắt này. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn ngành chức năng sớm tháo gỡ sự chồng chéo, thiếu đồng nhất trong phân cấp quản lý - cấp phép bất động sản công nghiệp như hiện nay, giảm bớt thủ tục hành chính để các dự án bất động sản công nghiệp thực hiện nhanh hơn.
Theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 82 về quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế Bộ đã trình Chính phủ. Giảm một số thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa các dự án bất động sản công nghiệp vào hoạt động như: Quy hoạch, xây dựng, thành lập các khu công nghiệp, thủ tục đầu tư được thực hiện đồng bộ, giảm bớt tất cả thủ tục trùng lắp, doanh nghiệp phải làm đi làm lại...
Hiện cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha. Các khu này đang tiếp tục triển khai để đáp ứng các nhu cầu đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.