Bất động sản ven biển: Nhiều triển vọng cho những tháng cuối năm 2023?
Bất động sản ven biển đang nhanh chóng trở lại khi hàng loạt chính sách tháo gỡ nút thắt pháp lý và hạ lãi suất quyết liệt, cộng hưởng với sức bật mạnh mẽ của ngành du lịch và giải ngân đầu tư công khởi sắc.
Nhiều tiềm năng sinh lời
So với các phân khúc khác thì bất động sản ven biển vẫn được đánh giá là kênh đầu tư có tiềm năng cao nhờ giá trị sở hữu và tăng giá cao.
Bất động sản ven biển là các tài sản không di dời được bao gồm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ… có vị trí địa lí nằm gần các khu vực có biển, bất kể đã đưa vào khai thác du lịch hay chưa. Dù bất động sản ven biển có nhiều phân khúc, thành phần nhưng nhìn chung, nó mang lại giá trị cao về thương mại, dịch vụ cũng như nghỉ dưỡng.
So với 3 loại bất động sản ven sông, hồ và cảng thì bất động sản ven biển vẫn luôn là sự lựa chọn được nhà đầu tư ưu tiên. Năm 2023, giá trung bình bất động sản ven biển tiếp tục cao hơn 76% so với ngôi nhà tương tự trong đất liền - tăng so với mức 63% của 2022.
Thực tế thì bất động sản ven biển cũng được đông đảo “cá mập” ưu tiên hàng đầu, bởi 2 lý do: khẩu vị cá nhân và tầm nhìn xa trông rộng. Đầu tiên, so với bỏ tiền vào đất ven đô chỉ thuần túy chờ tăng giá sinh lời, nhà đầu tư còn tìm kiếm giá trị “second home” đa năng vừa tích sản - nghỉ dưỡng - kinh doanh - cho thuê chỉ có ở bất động sản ven biển.
Thứ hai, du lịch đang được xác định là ngành mũi nhọn phát triển kinh tế Việt Nam, hiện đóng góp 9,2% GDP và đặt mục tiêu đạt 14-15% GDP đến năm 2030, theo Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra. Để hỗ trợ du lịch cất cánh, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh đầu tư công đồng bộ vào hàng loạt cơ sở hạ tầng đường bộ - thủy - không.
Cụ thể, đường bộ ven biển dài 3.041 km đi qua 28 tỉnh đã dần hoàn thiện sau nhiều năm thi công, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều địa phương. Cùng với đó là loạt sân bay được xây mới hoặc nâng cấp ở Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Trị, Quảng Bình, Vũng Tàu… và mới đây nhất, xây thêm nhà ga công suất 5 triệu khách có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng ở Phú Yên. Tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định 886/QĐ-TTg, ưu tiên đầu tư 29 dự án cảng biển hơn 31.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, theo chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Bắc Trung Bộ được Chính phủ quan tâm đặc biệt trong đầu tư hạ tầng cơ sở và định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Xét về giá, bất động sản ven biển không ngừng gia tăng giá trị suốt giai đoạn 2000-2021 và không giảm giá dù thị trường biến động năm 2022-2023. Tuy nhiên, giai đoạn lướt sóng và “lãi theo ngày” đã đi qua, nhà đầu tư hiện nay nên xác định tầm nhìn trung và dài hạn, quan sát tín hiệu chỉ dẫn hồi phục của thị trường để xuống tiền đúng thời điểm.
Cần thêm chỉ báo để đầu tư trong thời gian tới?
Thực tế, trong thời gian qua, các tín hiệu tích cực từ chính sách và sự vào cuộc của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý nhà nước đang tạo đà cho giá bất động sản “đảo chiều” tăng trở lại từ cuối năm nay trở đi. Đây có thể xem là chỉ báo cho nhà đầu tư quyết định có nên xuống tiền đầu tư bất động sản, mà cụ thể là phân khúc bất động sản ven biển thời điểm này hay không?
Theo khảo sát tâm lý 1.000 người mua bất động sản đầu năm 2023 của Batdongsan.com.vn cho thấy có 87% người đã sở hữu 3 bất động sản trở lên, 66-79% sở hữu 1-2 bất động sản và 46% người chưa có nhà đất… vẫn có nhu cầu tiếp tục mua bất động sản trong năm tới. Dù khác biệt về số tài sản nắm giữ, song đa số gặp nhau ở mục đích mua để đầu tư.
Nhu cầu cao, song các nhà đầu tư đang chờ đợi thời điểm mua vào phù hợp. Chuyên gia Batdongsan dự báo, giữa cuối 2024 đến năm 2025, nhiều quyết sách mới đi vào thực tiễn, hứa hẹn tác động tích cực đến ngành địa ốc. Bằng cách quan sát chỉ báo lãi suất, có thể tính điểm rơi thị trường đảo chiều. Chuyên gia Hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng, thời điểm lãi suất cho vay về mức dưới 10%/năm và giữ ổn định, dòng tiền sẽ quay lại thị trường bất động sản.
Đối chiếu với mức lãi suất cho vay mua bất động sản giảm đáng kể tại nhiều ngân hàng hiện nay, tín hiệu đảo chiều có thể sẽ xuất hiện sớm hơn. Lãi suất điều hành đang trên đà giảm về dưới 7%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay mua bất động sản tại 4 ngân hàng lớn nhất hiện nay đang dao động trong ngưỡng tốt 7,3% - 9,7%/năm.
Riêng với phân khúc nghỉ dưỡng ven biển cũng đón nhận những tín hiệu lạc quan hơn từ du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, lượng khách nội địa cả nước đạt 101,3 triệu lượt khách - gấp 120% so với “đỉnh trước dịch” 85 triệu lượt khách vào năm 2019. Sau 7 tháng đầu năm 2023, khách nội địa tiếp tục đạt 76,5 triệu lượt - tăng gần 150% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 7/2023 vừa qua, khách quốc tế đã đạt mức cao nhất sau 1,5 năm mở cửa trở lại nhờ các quyết sách mới của Chính phủ.
Ngoài lãi suất, yếu thứ 2 nằm ở nút thắt pháp lý. 2 năm qua, Chính phủ đã mạnh tay đưa ra loạt chính sách nhất quán, quyết tâm gỡ ách tắc cho thị trường và bước đầu gặt hái hiệu quả nhất định.
Nổi bật phải kể đến Nghị quyết 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển; Nghị định 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ về trái phiếu bất động sản; Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai… Theo kế hoạch được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết 50/2022/QH15, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023 tới).
Riêng đối với bất động sản nghỉ dưỡng biển, Nghị định 10/2023/NĐ-CP đã chính thức cấp sổ hồng condotel, officetel và shophouse từ ngày 20/5/2023. Các địa phương đang trong quá trình ngâm cứu thực thi và một khi nghị định này thực sự “ngấm” toàn diện, sức cung - lực cầu tăng sẽ làm giao dịch trên thị trường nhộn nhịp hơn với kịch bản tăng giá bán bắt đầu từ cuối 2023.