Bất động sản Việt Nam: “Miếng bánh ngon” với nhà đầu tư nước ngoài?
Bên cạnh các phân khúc truyền thống như nhà ở, văn phòng thì nhà đầu tư nước ngoài đang mở rộng quan tâm với các phân khúc bất động sản khác tại Việt Nam như bán lẻ hay khách sạn. Có thể thấy, bất động sản Việt Nam vẫn luôn là “miếng bánh ngon” đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn FDI “đổ mạnh” vào bất động sản Việt Nam
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2024, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt trên 473 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bất động sản thu hút được 1.151 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 69,6 tỷ USD, xếp thứ 2/19 ngành, lĩnh vực thu hút được vốn ngoại, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 17.046 dự án và 285,395 tỷ USD.
Riêng 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 405 dự án FDI cấp mới, 159 dự án FDI điều chỉnh vốn và 367 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký đạt gần 4,3 tỷ USD, tập trung vào 16 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, riêng lĩnh vực bất động sản thu hút được hơn 1,4 tỷ USD, chiếm đến 32,5% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, đứng thứ 2 về hấp dẫn FDI.
Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng tháng 1/2024, tổng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt hơn 1,27 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng thời điểm năm 2023, chiếm hơn 60% tổng FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2024, đặc biệt hơn, cũng trong tháng 1/2024 FDI vào bất động sản còn “vượt” qua cả lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khi lĩnh vực này thu hút hơn 900 triệu USD, bất động sản vươn lên trở thành lĩnh vực hấp dẫn FDI nhất trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Cũng theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, những năm qua, thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng trưởng rất rõ rệt. Từ mức tổng vốn đầu tư đạt 671 triệu USD vào năm 2010, thì đến năm 2018 đã tăng lên gấp gần 10 lần, đạt 6,61 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Giai đoạn 2019-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI chảy vào tất cả các ngành đều có xu hướng giảm đi, tổng vốn đăng ký FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng giảm so với những năm trước. Cụ thể, năm 2019, tổng vốn đăng ký FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 3,88 tỷ USD, giảm 41% so với năm 2018, năm 2021 đạt 2,64 tỷ USD, giảm khoảng 37% so với năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2022, thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản hồi phục tăng 26%, đạt 4,5 tỷ USD và năm 2023 đạt 4,67 tỷ USD, tăng 4,8%.
Đáng chú ý, dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản vẫn tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia…
Theo các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư nói chung và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nói riêng như: Chính trị ổn định, an toàn; Vị trí địa lý chiến lược, thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn; Hệ thống luật pháp, chính sách về nhà ở và kinh doanh bất động sản thông thoáng và đang ngày càng được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, bước sang năm 2024, Chính phủ định hướng duy trì chính sách tài khóa mở rộng và nới lỏng chính sách tiền tệ với mục tiêu đảm bảo thu ngân sách song hành với hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, kích thích tăng trưởng.
Với lĩnh vực bất động sản, nhiều nghị định, nghị quyết được thông qua nhằm hỗ trợ thị trường. Các chính sách này được kỳ vọng tăng tính dự báo và ổn định cho thị trường bất động sản, đồng thời tạo ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án.
Những phân khúc nào “được lòng” nhà đầu tư nước ngoài?
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành bất động sản.
Việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản giúp đa dạng hóa các loại hình bất động sản tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Toàn - Quản lý Bộ phận Đầu tư, Savills Hà Nội nhận định: "Việt Nam thể hiện sự ổn định không chỉ về tình hình chính trị mà còn cả bối cảnh vĩ mô, kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với mức lạm phát duy trì thấp và tỷ giá được Nhà nước kiểm soát ổn định hơn trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực. Do vậy, với lĩnh vực bất động sản, Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài tại những vị trí và phân khúc có dư địa phát triển tốt".
Chuyên gia Savills cho rằng mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.
Đơn cử như với phân khúc bất động sản nhà ở, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư và có xu hướng phát triển các dự án mang thương hiệu riêng của mình trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhà ở của người dân cao.
Trong khi đó, phân khúc bất động sản văn phòng cũng nhận được nhiều sự chú ý. Savills cho biết, thị trường chứng kiến tăng trưởng nguồn cầu từ khối doanh nghiệp năng lượng, sản xuất và tư vấn, góp phần duy trì tỷ lệ lấp đầy ổn định. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, xu hướng thị trường văn phòng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh, kể đến các chứng chỉ như LEED, WELL, BREEAM...
Còn với lĩnh vực bán lẻ, sự gia nhập của các ông lớn về mảng bán lẻ đã làm nổi bật sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn đang tích cực tìm kiếm quỹ đất để triển khai các dự án bất động sản thương mại dịch vụ hiện đại với quy mô lớn, tập trung vào trải nghiệm của người tiêu dùng.
Thị trường khách sạn trên đà phục hồi cũng được nhiều nhà đầu tư ngoại đánh giá cao và xúc tiến đầu tư. Savills cho biết, Việt Nam đón gần 121 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, tăng 19% theo năm. Lượng khách quốc tế cũng tăng ba lần so với 2022. Điều này kéo theo công suất và giá thuê khách sạn tại Hà Nội và TP HCM đều tăng hai chữ số.
Thực tế, theo số liệu thống kê được công bố mới đây của CBRE đã cho biết hơn 3.000 người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam từ năm 2015 đến quý III/2023, trong đó 90% mua các sản phẩm chung cư. Nhóm khách hàng này chuộng căn hộ cao cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Nhóm nhà đầu tư ngoại chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc với lợi thế khoảng cách địa lý gần nhau.
Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao bởi lợi thế về những chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Với mức lãi suất ổn định, việc vay vốn các dự án đầu tư trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư ngoại.