Bất động sản Việt Nam vẫn “hút” nhà đầu tư nước ngoài?
Thị trường bất động sản Việt Nam 2024 được nhận định là “miếng bánh ngon” với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được thể hiện ngay trong 2 tháng đầu năm 2024, khối ngoại rót hơn 279 triệu USD vào bất động sản Việt Nam.
Bất động sản Việt Nam “hút” dòng tiền từ khối ngoại
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 đã được các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới, có 405 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 103,8% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 38%.
Trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,94 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc); Nhật Bản; Trung Quốc; Hàn Quốc...
Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024, Tổng Cục thống kê ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua, trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%.
Còn về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2024, có 17 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 24,8 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 25 triệu USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,4 triệu USD, chiếm 21,5%; hoạt động xây dựng đạt 5 triệu USD, chiếm 20%.
Theo báo cáo từ CBRE công bố kết quả khảo sát ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024., thị trường bất động sản Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau thị trường Ấn Độ và đứng trước Thái Lan. Điều này phản ánh xu hướng ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam.
Theo CBRE Việt Nam, thị trường Việt Nam đang là bến đỗ ưa chuộng của nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc… Cùng với đó, một số lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Năm 2024, hứa hẹn bùng nổ thị trường Việt Nam với sự gia tăng mạnh mẽ của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lượng cầu tăng cao cùng tiềm năng phát triển vượt trội khiến thị trường bất động sản Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn cho dòng tiền.
Hiện những nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm và gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Việt Nam trong thời qua cũng đã có những đợt cắt giảm lãi suất giúp thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, Luật Đất đai mới quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai. Với quy định mới, Việt kiều được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản.
Lượng kiều hối cũng đổ mạnh về Việt Nam
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện đang nằm trong số 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Ba năm gần đây, Việt Nam thu được từ 17 – 18 tỷ USD kiều hối/năm và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2024.
Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều. Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy mạnh, người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hằng năm.
Nhìn nhận về nhu cầu mua bất động sản Việt Nam của kiều bào, đại diện Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hiện có 600.000 – 700.000 Việt kiều là doanh nhân, trí thức có trình độ cao muốn trở về quê hương để đầu tư, kinh doanh hoặc sinh sống, nên nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam là rất lớn. Đến 25% lượng kiều hối sẽ được gửi gắm vào nhà đất.
Việc làm ăn lâu dài ở Việt Nam cũng như nhu cầu đầu tư trước sức hút từ tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ làm nảy sinh nhu cầu sở hữu nhà ở, căn hộ. Bên cạnh đó, sự lựa chọn của giới nhà giàu nước ngoài khi mà giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam ngày càng tăng lên.
Theo đánh giá của một vài đơn vị nghiên cứu thị trường, so với đầu năm 2023, thị trường bất động sản đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực hơn cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Đáng chú ý, tại Hà Nội và TP. HCM, đất nền và đất dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh hơn cả chung cư.
Trong đó, tỷ trọng mua để đầu tư chiếm 60% và đất nền vẫn là loại hình được người mua tương lai quan tâm nhiều nhất.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp và giới đầu tư đang tranh thủ đẩy hàng sớm trong năm 2024, bởi nếu đợi sang năm 2025 khi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có hiệu lực, việc thu về nguồn tiền sẽ khó khăn và mất thời gian hơn.
Khi đó chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, sau khi hoàn thành tất cả nghĩa vụ để bán mới được thu tiếp 25%. Điều này có nghĩa, nguồn cung bất động sản năm 2024 sẽ được cải thiện hơn so với trước.
Theo lời giám đốc một sàn giao dịchnhà phố TP.HCM cho biết, trong năm qua chị đã kiếm được kha khá nhờ môi giới bất động sản cho nhóm nhà đầu tư là Việt Kiều. Nhà đầu tư chuyển tiền từ nước ngoài về nhờ mua bất động sản để đầu tư hoặc mua căn hộ cho thuê, cả bất động sản để dành với tâm lý đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Xu hướng này tăng mạnh từ nửa cuối năm ngoái và có thể sẽ vẫn cao trong năm 2024.