Bất động sản vùng ven Hà Nội: Sáng cửa bỏ vốn
Nhờ cú huých quy hoạch và hạ tầng, tiềm năng của thị trường bất động sản các tỉnh lân cận Hà Nội đã được đánh thức và lọt vào “mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư.
“Làn gió mới” quy hoạch
Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng Khoảng 24.314,7 km2.
Quyết định này như “làn gió mới”, đánh thức các thị trường bất động sản tỉnh lân cận Hà Nội. Theo đại diện Công ty cổ phần Hải Hà (Haiha Land), nếu trong giai đoạn năm 2014 - 2016, xu hướng đầu tư ra bất động sản vùng ven của nhà đầu tư Hà Nội chủ yếu là hướng về các quận, huyện ngoại thành như Hoài Đức, Thanh Trì, Mê Linh, Sơn Tây, Sóc Sơn, Ba Vì…, thì từ 2017 đến nay, vung ven Hà Nội đã lan tỏa ra xa hơn, đến các tỉnh, thành lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên…
Đặc biệt, trong khoảng 1 năm qua, khi quỹ đất để phát triển dự án tại Hà Nội dần cạn kiệt, giá đất cao, trong khi các địa phương có quỹ đất dồi dào, giá rẻ, thủ tục đầu tư nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã chuyển hướng đầu tư về các thị trường tỉnh, kéo theo lượng lớn đơn vị môi giới và nhà đầu tư thứ cấp đi theo.
Bắc Giang đang là thị trường có sức hút với giới đầu tư phía Bắc
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Thân Thanh Dũng, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đã tạo cú huých cho các địa phương lân cận nằm trong Quy hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây, các tỉnh tận dụng cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, tạo đà cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản phát triển.
Thời của bất động sản tỉnh
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Tuấn Anh, phụ trách kinh doanh Haiha Land cho biết, tính từ năm 2017 đến nay, tại các địa phương lân cận Hà Nội, số lượng dự án bất động sản mọc lên như “nấm sau mưa” và nhiều nơi đã xuất hiện những cơn sốt.
Có nhiều lý do khiến các thị trường bất động sản lân cận Hà Nội phát triển mạnh, trong đó nguyên nhân quan trọng chính là Điều chỉnh Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội được mở rộng và sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông kết nốt.
Hàng loạt dự án hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2, Hà Nội - Lạng Sơn, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng…, đặc biệt là hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống, đã, đang và sẽ được đầu tư, đã mở ra nhiều hướng kết nối vùng, cũng như với các địa phương, cửa ngõ giao thương quan trọng của Bắc Bộ như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, giúp Vùng Thủ đô thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế, biến nhiều địa phương trong Vùng Thủ đô mở rộng trở thành “thủ phủ FDI” miền Bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Công nghiệp phát triển, kéo theo nhiều chuyên gia, lao động ở các địa phương khác đến làm việc, sinh sống, qua đó tạo sức cầu lớn để thị trường bất động sản phát triển.
Với tiềm năng đó, thị trường các tỉnh trong Vùng Thủ đô Hà Nội những năm qua đã thu hút nhiều doanh nghiệp địa ốc rót vốn về đầu tư, có thể kể đến các ông lớn đã có mặt ở những thị trường này như Vingroup, FLC, Tập đoàn Tiến Bộ, TMS Group, Him Lam…
Các dự án ra hàng trong thời gian qua như An Phú Residence, VCI Mountain View (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), TMS Grand City (TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc), Sing Garden, Khu đô thị Phúc Ninh, Green Park Bắc Ninh (Bắc Ninh), hay các dự án của Kosy ở Bắc Giang… có tỷ lệ hấp thụ khá tốt.
Theo ông Tuấn Anh, dẫn đầu làn sóng bất động sản vùng ven có thể kể đến thị trường Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, sau đó lan rộng ra các địa phương khác. Trong đó, Thái Nguyên đang là thị trường được nhiều nhà đầu tư chú ý, đặc biệt là sau khi Samsung xây dựng nhà máy sản xuất tại đây.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá đất nền tại các khu vực quanh Nhà máy Samsung Phổ Yên tăng lên không ngừng trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, dự kiến năm 2020, khi thị xã Phổ Yên lên thành phố, thị trường nơi đây sẽ càng nóng hơn. Dự án đang nhận được nhiều sự chú ý tại Phổ Yên là Dự án Khu dân cư Vinaconex 3 - Phổ Yên Residence. Dự án này được xem là thúc đẩy quá trình đô thị hóa của Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Còn tại thị trường Bắc Giang, không chỉ đất nền, sự có mặt của Dự án Apec Aqua Park đã đánh dấu bước chuyển trong xu hướng đầu tư mới tại thị trường này: Đầu tư căn hộ khách sạn cao cấp.
Không chọn đầu tư vào các thị trường lớn như Hà Nội hay TP.HCM, Apec Group tập trung phát triển tại các đô thị loại 2, những nơi quỹ đất sạch còn nhiều, tiềm năng phát triển lớn, trong đó Bắc Giang là một trong những thị trường mà doanh nghiệp này nhắm tới. Ngoài Apec Group, Tập đoàn Tiến bộ cũng đánh dấu sự có mặt của mình tại thị trường Bắc Giang bằng Dự án Khu đô thị Green City (TP. Bắc Giang).
Theo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng giám đốc Apec Group, việc các doanh nghiệp chuyển hướng tìm đến thị trường bất động sản tỉnh còn nhiều dư địa phát triển là điều dễ hiểu khi các thị trường lớn truyền thống đã có dấu hiệu bão hòa, quỹ đất eo hẹp. Và như một cách tự nhiên, sự xuất hiện của các chủ đầu tư cũng sẽ kéo theo sự dịch chuyển dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp hướng đến các thị trường đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên, theo ông Thân Thanh Dũng, đầu tư vào thị trường tỉnh, nếu chỉ tập trung những sản phẩm nhà ở thông thường thì khó có đột biến. Bởi nếu dân số cơ học ở các địa phương này không tăng, thì nguồn cầu sẽ không nhiều, khi đó rủi ro cho nhà đầu tư là rất lớn. Do đó, nhà đầu tư cần đưa ra sản phẩm độc đáo, khu đô thị, biệt thự nghỉ dưỡng đồng bộ, hiện đại và phải thật tỉnh táo, nghiên cứu kỹ thị trường mới có cơ hội thành công.
Theo Nhất Nam/ Báo Đầu tư Bất động sản