‘Bắt tay’ Tập đoàn Ấn Độ làm dự án hơn 10 tỷ USD tại Hải Dương, Đại An Group của bà Trương Tú Phương mạnh cỡ nào?
Sau khi khảo sát cụ thể một số địa điểm tại Việt Nam, Công ty Sri Avantika Contractor Limited (Ấn Độ) đã quyết định lựa chọn Hải Dương địa điểm đầu tư dự án Công viên dược quốc tế. Đáng chú ý, trước đó Tập đoàn đến từ Ấn Độ và Tập đoàn phát triển KCN – Đô thị Đại An đã ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã làm việc với các nhà đầu tư Ấn Độ (cụ thể là Công ty Sri Avantika Contractor Limited) về việc đầu tư dự án Công viên Dược quốc tế tại Hải Dương. Đây là dự án có quy mô 960 ha, giá trị kinh phí đầu tư từ 10 đến 12 tỷ USD.
Được biết, trước khi chọn Hải Dương làm điểm đầu tư, doanh nghiệp Ấn Độ này đã tiến hành khảo sát cụ thể một số địa điểm tại Việt Nam. Đơn cử như ngày 13/2/2022, đoàn công tác của các nhà đầu tư Ấn Độ (bao gồm đại diện lãnh đạo các công ty SMS Pharmaceuticals LTD; Sri Avantika Contractor Ltd; Công ty TNHH Leaps and Bounds Consulting) đã có mặt tại Thanh Hóa để tìm hiểu địa điểm đầu tư dự án.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang diễn ra từ ngày 15 đến 19/12, các doanh nghiệp hai nước đã tiến thành ký kết hợp tác trong nhiều dự án với số vốn đăng ký đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD.
Đáng chú ý, bà Trương Tú Phương – Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Đại An đã đại diện doanh nghiệp này tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận giữa Tập đoàn Đại An và Công ty Sri Avantika Contractors Ltd., Ấn Độ.
Theo đó, hai bên thống nhất những nội dung quan trọng để triển khai dự án trong năm 2021, trong đó có việc hợp tác thực hiện triển khai hạ tầng dự án Công viên Dược tại Việt Nam (bao gồm dự án khu công nghiệp công nghệ cao).
Theo tìm hiểu, dự án được đề xuất có vị trí thuộc địa bàn các huyện Gia Lộc, Thanh Miện và Bình Giang. Đây là vị trí thuận lợi, tiếp giáp nút giao thông kết nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thời gian di chuyển tới Hà Nội mất khoảng 25 phút, tới cảng Hải Phòng khoảng 50 phút, kết nối với các tỉnh trong khu vực thuận lợi; có tuyến đường sắt (quy hoạch) kết nối quốc tế.
Để triển khai thực hiện dự án, các nhà đầu tư Ấn Độ kiến nghị về cung cấp mỏ vật liệu san lấp, đầu tư nhà máy nước sạch phục vụ dự án, công ty được đầu tư sản xuất năng lượng điện sạch để cung cấp cho dự án. Doanh nghiệp cũng đề xuất chính sách thanh toán tiền thuê đất và đề nghị tỉnh cung cấp mặt bằng sạch, đúng tiến độ cho nhà đầu tư.
Trước đề xuất của doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Thăng – Chủ tịch HĐND, cũng cam kết hỗ trợ cho nhà đầu tư ở mức cao nhất để triển khai dự án công viên dược quốc tế tại Hải Dương.
Tập đoàn Đại An của ai, tiềm lực thế nào?
Như đã đề cập, đồng hành cùng với các nhà đầu tư Ấn Độ kể trên có sự tham gia của một doanh nghiệp Việt Nam, đó là CTCP Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp – Đô thị Đại An (Đại An Group).
Theo tìm hiểu, Đại An mới được thành lập vào tháng 9/2021, đặt trụ sở chính tại KCN Đại An, Km51, QL5 Tứ Minh, TP Hải Dương, Tỉnh Hải Dương. Doanh nghiệp được thành lập với vốn điều lệ lên tới 3.300 tỉ đồng.
Đại An Group được thành lập bởi các pháp nhân: CTCP Đại An (góp 1.914 tỉ đồng, chiếm 58% vốn điều lệ); Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Đại An (góp 891 tỉ đồng, sở hữu 27% VĐL); Công ty TNHH Đại Dương (góp 231 tỉ đồng, sở hữu 7% VĐL); Công ty TNHH Thiên An An (góp 99 tỉ đồng, sở hữu 3% VĐL), Công ty TNHH VH&DV An Thuận (góp 66 tỉ đồng, chiếm 2% VĐL); và ông Tường Duy Long (SN 1983, góp 99 tỉ đồng, sở hữu 3% VĐL).
Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Đại An là bà Trương Tú Phương (SN 1955).
Bà Trương Tú Phương còn được biết đến là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH VH&DV An Thuận, CTCP Đại An – Nam Thăng Long và Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An (Đại An IZD).
Theo giới thiệu trên trang chủ doanh nghiệp, CTCP Đại An (Đại An JSCO) được thành lập vào ngày 12/12/2001 với số vốn Điều lệ 3,5 tỷ đồng. Đến ngày 14/8/2020 Đại An tăng vốn Điều lệ lên 678 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, tư vấn xây dựng, đầu tư, kinh doanh bất động sản, kinh doanh nhà ở, nhà cho thuê cùng các dịch vụ xã hội khác phục vụ cho công nghiệp như: Trường học, bệnh viện và bảo hiểm y tế.
Đại An được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án như: Khu công nghiệp Đại An và Khu công nghiệp Đại An mở rộng (quy mô 603 ha), Khu công nghiệp Lai Cách (135,42 ha) và Khu công nghiệp Minh Đức). Bên cạnh đó, Đại An còn phát triển các dự án khác như Khu dân cư Đại An I (diện tích 18,22 ha) và Khu dân cư Đại An II (diện tích 37,76 ha).
Trong những dự án trên, đáng chú ý là dự án Khu công nghiệp Đại An và Khu công nghiệp Đại An mở rộng. Trong đó, dự án Khu công nghiệp Đại An được Thủ tướng chính phủ cho phép thành lập theo văn bản số 317/CP-CN ngày 21/3/2003. Còn dự án Khu Công nghiệp Đại An mở rộng được Thủ tướng chính phủ cho phép thành lập theo văn bản số 1059/TTg-CN ngày 07/7/2006.
Toàn bộ dự án có vị trí Nằm trên Km 51, Quốc lộ 5, con đường nối giữa TP Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội.
Tổng diện tích Khu công nghiệp Đại An là 135,96ha; Khu công nghiệp Đại An mở rộng là 415,02 ha (giai đoạn 1 là 189,02ha; giai đoạn 2 là 226 ha). Trong đó, diện tích đất công nghiệp là 375,83 ha, chiếm tỷ lệ 68,21% diện tích Khu công nghiệp. Diện tích đất dịch vụ là 25,119ha, chiếm tỷ lệ 4,55%. Diện tích đất công trình xử lý nước thải là 5,41ha, chiếm tỷ lệ 0,98%. Diện tích đất cây xanh là 55,762ha, chiếm tỷ lệ 10,12% và diện tích đất đất giao thông là 50,629ha, chiếm tỷ lệ 9,19%.