BĐS cũng có điểm yếu bắt mạch để chữa cần tới sự minh bạch, chuyên nghiệp

Đó là khuyến nghị TS Cấn Văn Lực đưa ra trong buổi Toạ đàm “Bắt mạch” thị trường Bất động sản tổ chức vào 16/9 tại Hà Nội.

Tại Tọa đàm các chuyên gia bất động sản, chuyên gia kinh tế đã phân tích, đánh giá, nhận định về thực trạng tình hình thị trường bất động sản hiện nay và dự báo về xu thế phát triển thời gian tới; những kiến nghị và khuyến nghị về chính sách để quản lý thị trường minh bạch hơn, thông thoáng hơn nhằm giúp thị trường phát triển bền vững hơn, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.

Tọa đàm: “Bắt mạch” Thị trường Bất động sản.  
Tọa đàm: “Bắt mạch” Thị trường Bất động sản.  

Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180.000 sản phẩm nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110.000, năm 2020 chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm.

Năm 2021, thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như các vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến nguồn cung căn hộ mới tiếp tục giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm. Sơ bộ 9 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy, có hơn 32.200 sản phẩm mới được chào bán, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ các căn hộ giảm sút, chỉ ở mức gần 48%, thấp hơn 3,2 điểm % so với năm 2021.

Các chuyên gia cho rằng: Cần có những quy định pháp luật để khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh BĐS, để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá BĐS nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Qua đó, giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân.

Nguồn cung bất động sản có dấu hiệu chững lại.  
Nguồn cung bất động sản có dấu hiệu chững lại.  

Trong đó, khẳng định vai trò của sàn giao dịch BĐS cần được định vị là trung tâm của thị trường, là đối tượng trung gian, cân bằng mọi hoạt động. Việc giao dịch qua sàn sẽ tập trung lại lực lượng cò đất hoạt động riêng lẻ, nâng cao chất lượng đội ngũ môi giới, tránh tình trạng đầu cơ, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật.

Bên cạnh đó, giao dịch qua sàn sẽ cung cấp nguồn lực góp phần đẩy nhanh việc chuyển đổi số đối với giao dịch BĐS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mọi thông tin giao dịch sẽ được niêm yết, công khai, minh bạch. Thông qua sàn, 100% giao dịch BĐS có thể trả qua ngân hàng, tránh tình trạng khai hai giá, thất thu ngân sách Nhà theo đề xuất của Bộ Tài chính, là cơ sở để cung cấp thông tin số liệu về giá chính xác nhất theo chủ trương mà Dự thảo Luật đất đai 2022 đưa ra và được các lãnh đạo Bộ Xây dựng ủng hộ.

Chuyên gia tài chính, kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Giống như đi khám bệnh, chúng ta cần bắt mạch để biết bệnh rồi mới chữa. BĐS cũng cần "bắt mạch" để biết những điểm thiếu, điểm yếu của thị trường mới có thể tháo gỡ.

Xác định được vai trò của thị trường BĐS rất quan trọng cho nền kinh tế. Trong đó, BĐS ảnh hưởng tới 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường, với hệ số lan tỏa từ 0,5–1,7 lần. Thị trường BĐS xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% vốn FDI, lũy kế đến tháng 8/2022 vốn FDI vào BĐS đạt gần 65,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đăng ký.

Để đạt được những kết quả trên, chúng ta cần nguồn vốn mồi, cơ chế thu hút và ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả những cái này được gộp chung là vốn đầu tư công. BĐS không thể phát triển được nếu thiếu đầu tư công.

"Làm thế nào để tiếp cận nguồn vốn 4% từ nay đến cuối năm” để giúp doanh nghiệp phát triển tốt trong giai đoạn siết chặt tín dụng.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp BĐS huy động từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu…. Xác định vốn BĐS là vốn trung – dài hạn, nên không thể huy động được từ ngân hàng nên thị trường cổ phiếu, trái phiếu là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước cần có phương án để phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý, các dự án nhà ở xã hội, không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

TS Cấn Văn Lực cũng cho biết: cần nghiên cứu thành lập các định chế tài chính BĐS chuyên biệt: quỹ/cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư BĐS (REITs), Cơ quan tái tài trợ BĐS thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa BĐS…; Có lộ trình đánh thuế BĐS phù hợp (cần minh bạch, công bằng và phân bổ thu nhập hợp lý..); thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch BĐS Với doanh nghiệp, cần đa dạng hóa để kiểm soát rủi ro và tăng khả năng tiếp cận vốn.

Văn Trì

Theo Chất lượng và Cuộc sống