BĐS nghỉ dưỡng: Thay đổi để phục hồi

Trước khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thay đổi kế hoạch kinh doanh dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, doanh nghiệp liên kết với nhau để khách hàng có thể liên thông trải nghiệm giữa các dự án.

Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS du lịch nghỉ dưỡng sau thời gian tìm hướng đi đã cơ cấu lại định hướng phát triển phân khúc này phù hợp với thị trường, thay vì đơn thuần cung cấp sản phẩm condotel, các chủ đầu tư đã bắt đầu chuyển đổi công năng sản phẩm tích hợp các yếu tố văn hóa địa phương, đặc trưng cộng đồng, thiên nhiên vào dự án dành cho du khách.

Chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp bất động sản tham gia phân khúc nghỉ dưỡng đang đi đúng hướng, đó là kích cầu thị trường du lịch bằng các chương trình và sản phẩm trải nghiệm. Khi du lịch hồi phục, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục theo.

BĐS nghỉ dưỡng: Thay đổi để phục hồi - Ảnh 1

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có cơ hội cải thiện khoảng 20% so với năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.

Đại diện VARS cho rằng, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhưng để phát triển bền vững, chủ đầu tư phải chú trọng việc quy hoạch và phát triển dự án, nhằm bảo vệ và tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực thích nghi với xu hướng mới, đem tới trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Mặt khác, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích, khi đó thị trường sẽ chính thức hồi phục.

Theo báo cáo từ DKRA group, trong tháng 5/2024 chỉ có nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận tăng so với cùng kỳ 2023, với 90 sản phẩm từ 3 dự án mới. Lượng giao dịch thành công đạt 23 căn biệt thự, chiếm 26% lượng hàng trong tháng. Giá bán giao động từ 11,9 – 36,9 tỷ đồng/căn tại miền Bắc và 5,2 – 5,8 tỷ đồng/căn tại miền Nam.

Mức thanh khoản của phân khúc là đáng chú ý nhất với tỷ lệ gia tăng tới hơn 20 lần so với cùng kỳ năm trước. Các giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng rõ ràng và tập trung vào những căn có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn. Dù vậy, DKRA cho biết mặt bằng giá sơ cấp vẫn neo ở mức cao và sức cầu thị trường tăng không đáng kể so với các tháng trước đó.

Thêm giải pháp để thúc đẩy BĐS nghỉ dưỡng phục hồi

Chuyên gia đánh giá, vướng mắc pháp lý là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “ngủ đông” kéo dài. Hàng loạt khó khăn của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn cần được tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông dòng chảy, lấy lại niềm tin, tái khởi động, quay trở lại thị trường với mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.

Với phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng, việc ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ đang là căn cứ để các chuyên gia dự báo nguồn cung BĐS du lịch nghỉ dưỡng năm 2024 sẽ cải thiện. Theo thống kê, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang đón đầu mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, với dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.

Quan trọng hơn, các Bộ, ngành, địa phương đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực trực tiếp thúc đẩy BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển.

Về lâu dài, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có biên độ rộng để phát triển, lượng cầu còn nhiều dư địa lớn trong tương lai trên cơ sở Việt Nam đang sở hữu vị trí thuận tiện, nhiều địa danh văn hóa lịch sử đa dạng, bờ biển dài, đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng du lịch ngày càng đồng bộ...

Hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các dự án hạ tầng... đang được đẩy nhanh tiến độ, dự báo sẽ bơm thêm nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới vào thị trường. Từ đó, giúp thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường.

Theo các chuyên gia, giải quyết khó khăn cho phân khúc này, ngoài việc tìm hướng đi từ du lịch, một số ý kiến cho rằng thu hút dòng kiều hối cũng là một giải pháp. Bởi lẽ, khác với xu hướng chung trong nước, dòng vốn kiều hối lại có xu hướng đổ vào những phân khúc "thanh khoản khó", giá trị cao như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Các sản phẩm “kén khách” này được Việt kiều “ưa chuộng” bởi họ có khả năng chi trả, mua để nghỉ dưỡng, cho thuê hoặc dưỡng già.

Minh Đăng

Theo Chất lượng và Cuộc sống