Bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu tăng nhiệt

Thời gian qua, bao trùm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là không khí ảm đạm, trầm lắng, trong khi các phân khúc khác dần hồi phục thì BĐS nghỉ dưỡng lại “nằm im”. Dù vậy, thì trường đã đón nhận nhiều chính sách có tác động tích cực, theo dữ liệu mới đây của Batdongsan.com.vn cho biết, quý vừa qua thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã ghi nhận biến động tích cực khi mức độ quan tâm các loại hình có sự cải thiện so với các quý trước đó.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhìn nhận, từ năm 2020 đến nay, bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Theo ông Sinh, các khó khăn trong lĩnh vực bất động sản cũng như bất động sản nghỉ dưỡng được xác định là do thủ tục pháp lý; trình tự thủ tục đầu tư; liên quan đến việc xác định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong việc công tác lập điều chỉnh quy hoạch; liên quan đến các nguồn lực để phát triển dự án…

“Thời gian qua, mặc dù nhiều chủ đầu tư đã tích cực, nỗ lực đưa ra các quy hoạch và thiết kế, cơ cấu sản phẩm, tiện ích trong các khu nghỉ dưỡng để tạo nên các dịch vụ trong khu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nhưng các hoạt động đầu tư gặp nhiều khó khăn. Một số chủ đầu tư triển khai dự án chậm, chưa đảm bảo cam kết với khách hàng, gây ra những tranh chấp, khiếu kiện; ảnh hưởng niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản”, ông Sinh nói.

Với những vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản, hiện, các Bộ, ngành đang gấp rút xây dựng và ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Đồng thời, thị trường bất động sản đang từng bước được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương tích cực “gỡ” khó về mặt pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch..

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang phát huy hiệu quả tích cực. Theo đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực.

Bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu tăng nhiệt - Ảnh 1

Cụ thể, trong quý II, nhu cầu tìm kiếm biệt thự nghỉ dưỡng tăng trung bình 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2023. Với loại hình condotel, sau thời gian dài hạ nhiệt thì nhu cầu quan tâm cũng tăng trung bình hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượt quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng tại những thành phố lớn ghi nhận tăng trưởng sau thời gian hạ nhiệt. 

Tại quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà thuộc TP Đà Nẵng, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản nghỉ dưỡng tăng mạnh nhất, lên đến 66% so với quý II/2023. Tiếp đến là Nha Trang và Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa với lượt tìm kiếm tăng 53%.

Tại TP Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình, trong các tháng đầu năm, địa phương ghi nhận nhu cầu tìm kiếm bất động sản nghỉ dưỡng tăng 41% so với cùng kỳ. Hai thành phố còn lại là Cát Hải (Hải Phòng) và Hạ Long (Quảng Ninh) có mức tăng lần lượt 28% và 26%.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, mức độ quan tâm tăng 18%, tập trung mạnh về các khu vực như TP Vũng Tàu, huyện Long Điền và Xuyên Mộc. Tỉnh Bình Thuận cũng ghi nhận sự hồi phục nhẹ với tăng trưởng lượt tìm kiếm bất động sản nghỉ dưỡng tăng thêm 8% so với cùng kỳ, hầu hết đổ về TP Phan Thiết.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam lý giải thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có những dấu hiệu tích cực hơn là nhờ những yếu tố như bán lẻ, du lịch đang dần cải thiện.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng của Việt Nam tăng 2%, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, dòng kiều hối đổ về Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay tăng 35% so với cùng kỳ 2023, doanh thu về lưu trú, du lịch cũng tăng 15%. Nghị định số 10/2023 tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… trong thời gian tới cũng được kỳ vọng sẽ đạt độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư.

Minh Hương

Theo Chất lượng và cuộc sống