BĐS TP. HCM gặp khó trong quý III, dự báo sôi động hơn trong quý IV

UBND TP. HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn thành phố trong quý III/2022.

BĐS TP. HCM gặp khó trong quý III, dự báo sôi động hơn trong quý IV (ảnh minh họa)
BĐS TP. HCM gặp khó trong quý III, dự báo sôi động hơn trong quý IV (ảnh minh họa)

Trong quý vừa qua, Sở Xây dựng TP. HCM đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai cho chủ đầu tư của 4 dự án, với tổng số 2.144 căn nhà. Cấp phép 2 dự án nhà ở chung cư với tổng số 2.057 căn. 

Thị trường nhà ở TP. HCM tiếp tục thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở công nhân khi không có dự án nào trong phân khúc này được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép, đủ điều kiện bán hoặc hoàn thành xây dựng. 

Về lượng giao dịch, trong quý III/2022, TP. HCM có 1.229 giao dịch căn hộ chung cư, 915 nhà ở riêng lẻ và không có giao dịch đất nền. 

UBND TP. HCM đánh giá, thị trường bất động sản thành phố trong quý vừa qua phát triển nhưng chưa ổn định, cần có điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung – cầu, do hiện đang có xu thế lệch về phân khúc bất động sản cao cấp. 

Trong khi đó, tình hình kinh kế có nhiều diễn biến khó lường, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gân đây đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó khăn, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại. 

Theo UBND TP. HCM, thị trường bất động sản thành phố chưa có sự ổn định, nguồn cung dự án tăng – giảm không đều, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân cần phải điều chỉnh tăng để đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân.

Cùng với đó, việc phát triển nhà ở chưa đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung; công tác quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở sau đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập; nhiều khu vực nhà ở do người dân tự xây chưa có hạ tầng được nâng cấp, đảm bảo phù hợp. 

Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản trong những năm qua đã giảm rõ rệt do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính... dẫn đến tình trạng chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ.

Cũng theo UBND TP. HCM, thị trường bất động sản TP. HCM phát triển nhưng chưa ổn định, cần có điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung - cầu.

Tình hình thị trường bất động sản không có biến động trên diện rộng, tình hình kinh tế có nhiều diễn biến khó lường, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào khó khăn, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 của Colliers cho biết phân khúc căn hộ tại TP. HCM không có nhiều biến động về giá sơ cấp. Những dự án có giá bán trên 4.500 USD/m2 tập trung chủ yếu tại quận 1, khu Thảo Điền và Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức.

Cuối quý III, thị trường TP. HCM có những dự án mới vừa được ra mắt như The Horizon Phú Mỹ Hưng, Essensia Nam Sài Gòn (giá khoảng từ 2.400 USD/m2), cả 2 dự án này đều nằm ở phía nam Sài Gòn. Ngoài ra nguồn cung chủ yếu vẫn đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo hoặc bán tiếp giỏ hàng cũ của các dự án như Grand Marina Saigon, Urban Green, Akari Nam Long hay MT East Mark City.

Dự báo trong quý cuối năm 2022, Colliers cho biết thị trường sẽ đón một loạt dự án từ các chủ đầu tư Novaland, LDG Group, Centana, Bamboo Capital… với tổng số nguồn cung mới khoảng 6.448 căn.

Trần Lê

Theo VietnamFinance