TP.HCM: Môi giới BĐS chán nản khi lượng giao dịch đất nền tụt giảm
Khảo sát gần đây ghi nhận, mức độ quan tâm phân khúc đất nền vẫn giữ vững phong độ ở mức cao, tăng mạnh ở những quận huyện ngoại thành TP.HCM. Tuy nhiên lượng chốt giao dịch lại sụt giảm khiến môi giới và “cò” bất động sản (BĐS) nản lòng.
Nỗi khổ của nghề môi giới
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, các giao dịch BĐS đình trệ đã khiến không ít các môi giới BĐS rơi vào tình thế “đứng ngồi không yên”. Theo chia sẻ từ Anh Nguyễn Văn Lâm, một môi giới BĐS ở Hóc Môn cho biết “tín dụng bị siết khách hàng chỉ đi xem nhưng không mua, trong hơn 3 tháng qua tôi không chốt được giao dịch nào, gần như ngồi không, không khác với tình hình thất nghiệp là bao, không biết bao giờ thị trường mới sôi động trở lại”. Anh Lâm phân vân giữa việc nên tiếp tục làm môi giới hay tìm kiếm công việc mới.
Tương tự, anh Lê Minh Huy ở Bình Chánh với hai năm kinh nghiệm trong môi giới bất động sản. Tuy nhiên, cả tháng qua anh dường như không có nguồn thu từ công việc này vì giao dịch không thuận lợi. Thời gian đầu vướng phải tình hình dịch bệnh, vừa có tiến triển tốt vào thời gian đầu năm thì vài tháng trở lại đây việc giao dịch gần như bị “đứt đoạn”. Anh Huy bắt đầu chuyển nghề sang chạy xe công nghệ kiếm sống nhưng đây cũng không phải là công việc có thể duy trì lâu dài.
Tuy mức độ quan tâm và mức giá bán ở thị trường đất nền vùng ven TP.HCM có sự tăng trưởng trong quý III nhưng số lượng giao dịch vẫn “dậm chân tại chỗ”. Cụ thể, mức độ quan tâm ở các huyện vùng ven tăng nhẹ cụ thể ở Hóc Môn tăng 11%, Thủ Đức tăng 9%, quận 9 tăng 2%, quận 12 tăng 6%, Bình Chánh tăng 10%, Nhà Bè tăng 11%. Giá bán ở Củ Chi tăng 15%, Hóc Môn tăng 11%, Thủ Đức tăng 3%, tại Bình Chánh tăng 6%, tại Nhà Bè tăng 17%.
Mặc dù nhu cầu tìm kiếm vẫn luôn ở mức tăng trưởng ổn định nhưng lượng giao dịch trên thực tế lại không cao. Bên cạnh đó, nguồn cung cũng không được cải thiện gần như không có dự án nào mới rao bán trên thị trường, sản phẩm đất nền được rao bán chủ yếu là những khu đất được phân lô với quy mô nhỏ.
Nhà đầu tư “quay lưng” với phân khúc đất nền?
Theo khảo sát của DKRA trong quý III ghi nhận mức tiêu thụ đất nền ở TP.HCM và các tỉnh lân cận tụt giảm đáng kể chỉ đạt 52% đây là mức tiêu thụ thấp nhất của phân khúc này kể từ đầu năm đến nay.
Trái ngược với thời điểm sốt nóng thời gian trước, hiện nay giá đất nền vẫn không thay đổi thậm chí còn tăng nhẹ nhưng thanh khoản giảm mạnh khiến không ít nhà đầu tư e dè, đi cùng với trở ngại lớn về nguồn vốn tín dụng đã khiến số lượng chốt giao dịch ngày một ít dần.
Trao đổi với anh An một môi giới BĐS lâu năm tại TP.HCM, “Hơn 2 tháng qua tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi của khách hàng nhưng hầu như chỉ kham khảo về giá đất và nhờ tư vấn các khu đất tiềm năng, mục đích của khách hàng là khảo sát mức giá trên thị trường, rất ít người có nhu cầu mua thật.” – Anh An cho biết.
Mỗi lần thị trường xuất hiện những biến đổi thì mức độ quan tâm tìm hiểu giá cả BĐS lại tăng lên. Cụ thể trong thời gian gần đây có những thay đổi về chính sách nới room tín dụng hay lãi suất gia tăng thì mức độ quan tâm lại tăng lên càng nhiều, nhưng giữa những biến động các nhà đầu tư có xu hướng quan sát xem xét diễn biến tiếp thị của thị trường hơn là mạo hiểm xuống tiền đầu tư.
Do đó, không ít môi giới BĐS than thở, khách liên lạc thì nhiều nhưng để thuyết phục được khách đi xem đất thì không bao nhiêu. Các nhà đầu tư phần lớn đều từ bỏ ý định mua khi biết được giá đất vẫn giữ mức cao, để đi được đến bước thực hiện giao dịch là vô cùng khó khăn.
"Đây là phân khúc "làm mưa làm gió" thời "sốt đất" nhưng cũng là phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường giảm thanh khoản. Khi phân khúc đất nền trầm lắng, chính thị trường đã tạo ra một áp lực lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Với nhà đầu tư sở hữu rất nhiều đất nền thì áp lực về vốn vay, lãi vay, áp lực quay vòng vốn, thanh khoản rất lớn", Ông Lê Đình Hảo - Giám đốc khối kinh doanh của Batdongsan.com.vn cho biết.